Phương Tây tịch thu tài sản Nga: Bước đi đúng hay 'mồi lửa' hệ luỵ?

23/02/2024, 09:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giới quan sát cho rằng việc phương Tây tịch thu tài sản Nga để viện trợ Ukraine tái thiết khả năng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, ảnh hưởng tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu.

Du thuyền của tỉ phú Nga Igor Sechin bị phong tỏa ở cảng La Ciotat (Pháp) vào tháng 3-2022. Ảnh: AP

Hệ lụy ra sao?

Theo tờ Foreign Policy, việc phương Tây tịch thu tài sản Nga để viện trợ Ukraine nhìn bề ngoài có vẻ có lợi nhưng lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với Kiev và thế giới.

Thứ nhất, nó có thể trở thành “con dao hai lưỡi” gây khó khăn cho Ukraine trong việc tiếp nhận thêm viện trợ trong tương lai. Chẳng hạn, các chính trị gia Mỹ phản đối viện trợ Ukraine có thể lợi dụng khoản tiền này làm lý do để ngừng cấp viện trợ, cho rằng Kiev đã có đủ nguồn lực.

Thứ hai, việc Ukraine nhận và sử dụng số tiền có thể khiến nước này mất lợi thế tại các cuộc đàm phán trong tương lai. Theo Foreign Policy, việc đảm bảo Nga bồi thường thiệt hại sau xung đột có thể được dùng như một “con bài mặc cả” để Ukraine đạt được các điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán. Nếu nhận tài sản bị đóng băng của Nga và dùng hết thời điểm này, Ukraine sẽ mất đi lợi thế đó.

Thứ ba, việc tịch thu tài sản Nga để viện trợ Ukraine tái thiết còn tạo ra nhiều hệ lụy cho tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Theo Foreign Policy, việc tịch thu tài sản Nga nếu diễn ra suôn sẻ có thể thiết lập một tiền lệ nguy hiểm, cho phép các quốc gia khác tịch thu tài sản của nhau trong tương lai. Điều này cũng có thể gây bất ổn toàn cầu, làm suy yếu hệ thống pháp lý thế giới.

Thêm vào đó, tịch thu tài sản Nga có thể làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, gây khó khăn cho nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề chung như biến đổi khí hậu, chống khủng bố...

Cuối cùng, việc tịch thu tài sản Nga có thể gây lo ngại cho các nhà đầu tư, khiến họ lo rằng tài sản của họ cũng có thể bị tịch thu nếu bị coi là ủng hộ một chính phủ hoặc quốc gia mà phương Tây không thích. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư dễ dao động trước các kênh tài chính phương Tây, thậm chí rút tiền khỏi phương Tây để chuyển sang các kênh tài chính khác mà họ cảm thấy an toàn hơn.

Theo Foreign Policy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tịch thu tài sản Nga, các nước phương Tây phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện, đặc biệt cần có những quy định pháp lý rõ ràng về việc tịch thu tài sản, đảm bảo tính hợp pháp và công bằng.•

Tịch thu tài sản Nga có phải biện pháp trừng phạt?
Tịch thu tài sản Nga không phải là một biện pháp trừng phạt, Foreign Policy dẫn ý kiến bà Agedit Demarais - thành viên cấp cao thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR - Đức, nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu).
Theo bà Demarais, các biện pháp trừng phạt mang tính tạm thời, nhằm gây tổn thất kinh tế và thay đổi hành vi của các cá nhân, tổ chức và thực thể bị trừng phạt. Trong khi đó, việc tịch thu tài sản Nga là hành động tước bỏ quyền sở hữu tài sản đối với các cá nhân, tổ chức. Dù cùng mục đích là gây tổn thất kinh tế nhưng bản chất của hai hành động này là khác nhau, bà Demarais giải thích.
Bà Demarais cũng cho rằng việc tịch thu tài sản là một hành động khó thực hiện, bởi nó dễ vi phạm các nguyên tắc pháp lý quốc tế.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/phuong-tay-tich-thu-tai-san-nga-buoc-di-dung-hay-moi-lua-he-luy-c415a1545629.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/phuong-tay-tich-thu-tai-san-nga-buoc-di-dung-hay-moi-lua-he-luy-c415a1545629.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương Tây tịch thu tài sản Nga: Bước đi đúng hay 'mồi lửa' hệ luỵ?