Theo PGS.TS Trần Văn Mẫn, vật liệu SiO2/C được đánh giá các tính chất điện hóa và hóa lý để tìm ra cơ chế phóng thích/đan cài ion Li+. Các phép đánh giá về tổng trở điện hóa, độ bền oxy hóa khử, SEM cũng đã được thực hiện nhằm cho kết quả đầy đủ nhất. Ngoài ra, các loại phụ gia cũng đã được nghiên cứu để tăng hiệu quả hoạt động của điện giải.
Quy trình lắp ráp pin cúc áo được khảo sát cho từng loại điện cực riêng, lựa chọn các thông số phù hợp để lắp ráp pin hoàn chỉnh hoạt động tốt. Nhóm đã lắp ráp thành công 100 pin cúc áo hoàn chỉnh sử dụng các loại vật liệu điện cực dương là NMC622, LNMO và LFP, được đánh giá dung lượng, hiệu suất và độ bền phóng sạc.
Mô hình pin túi cũng đã được nghiên cứu lắp ráp để ứng dụng vào sản phẩm mắt kính thông minh. Kết quả cho thấy pin túi hoàn chỉnh sử dụng cực dương là NMC622 có thể sử dụng liên tục trong vòng 80 phút.
Các kết quả của đề tài cho thấy, vật liệu SiO2/C tổng hợp từ vỏ trấu có khả năng ứng dụng tốt, các hướng nghiên cứu tiếp theo có thể phát triển quy trình lắp ráp pin túi sử dụng các kết quả pin hoàn chỉnh đã khảo sát trên mô hình pin cúc áo, từ đó ứng dụng trong các sản phẩm cụ thể.
Hiện nay, vấn đề chế tạo vật liệu, lắp ráp và đánh giá pin sạc Li-ion vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Việc nghiên cứu và sản xuất pilot sản phẩm pin sạc sử dụng nguyên liệu tự tổng hợp sẽ là tiền đề tốt để xây dựng và phát triển thị trường pin sạc, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác như ô tô – xe máy điện, điện – điện tử, điện thoại thông minh, lưu trữ năng lượng…
Ngoài ra, việc tận dụng được nguồn phụ phẩm dồi dào của ngành nông nghiệp là vỏ trấu, quy trình sản xuất tiết kiệm chi phí, dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất sẽ giúp giảm giá thành so với vật liệu điện cực âm Graphite thương mại hiện nay.