Qatar "lột xác" ra sao nhờ tổ chức kỳ World đắt giá nhất lịch sử?

24/11/2022, 00:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chi số tiền khổng lồ để tổ chức kỳ World Cup đắt giá nhất thế giới cũng là cách để Qatar đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng ở quốc gia chỉ có chưa đến 3 triệu dân.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của FIFA, Qatar đã xây dựngmạng lưới xe điện, xe buýt và cả xe máy điện để trước mắt phục vụ World Cup và sau này là đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân.

Qatar hiện có mạng lưới gồm 4.000 xe buýt, trong đó 700 xe buýt điện, chuyên dùng để chuyên chở cổ động viên qua lại giữa các trạm trung chuyển và sân vận động, với công suất 50.000 hành khách/ngày trong giai đoạn diễn ra World Cup. 

"Yếu tố cốt lõi trong kế hoạch của chúng tôi là sử dụng các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Các cổ động viên cũng có thể thuê xe máy điện, xe đạp để sử dụng. Điều này sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu mang đến một kỳ World Cup bền vững nhất trong lịch sử", Thani Al Zarraa, người phụ trách hoạt động di chuyển của ban tổ chức Qatar, nói.

Mạng lưới phương tiện công cộng và thân thiện với môi trường của Qatar sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới về tính bền vững và đóng góp to lớn cho cộng đồng cư dân địa phương, những người sẽ sử dụng các hệ thống này trong nhiều thế hệ sau. 

Qatar

8 sân vận động được cải tạo và xây mới giúp thay đổi bộ mặt Qatar. Quốc gia vùng Vịnh cũng xây thêm 1.791km đường cao tốc, 2.131km đường giao thông và 200 cây cầu trong giai đoạn năm 2013 - 2022. 

“Sự chuyển đổi mà Qatar đang thực hiện sẽ mang lại lợi ích tốt cho người dân sau World Cup, cho dù đó là cung cấp các giải pháp thay thế giao thông bền vững và giá cả phải chăng hay cung cấp các lựa chọn di chuyển khác nhau giúp đất nước giảm lượng khí thải carbon”, ông Al Zarraa nói thêm.

Giáo sư kinh tế Andrew Zimbalist đến từ trường Cao đẳng Smith (Mỹ) nhận định, Qatar đã sẵn sàng đối mặt với những khoản lỗ đến từ World Cup, vì nước này thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới di chuyển phục vụ tầm nhìn dài hạn.

Giới chức Qatar kì vọng, cơ sở hạ tầng được phát triển như một phần trong quá trình chuẩn bị cho World Cup sẽ hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phi năng lượng của đất nước, theo Bloomberg.

Qatar

Các tuyến tàu điện ngầm được Qatar xây dựng sau 12 năm giành quyền đăng cai World Cup. Qatar đã chi 36 tỷ USD cho dự án này.

Trước mắt, Qatar vẫn sẽ hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu khí đốt tăng vọt đến từ các nước châu Âu. Một Qatar hào nhoáng và hiện đại hơn trong tương lai có thể được so sánh với Dubai, thu hút giới siêu giàu phương Tây, khách du lịch và các doanh nghiệp đầu tư. Sự phát triển của cảng biển và đường sá ở Qatar cũng thúc đẩy sản xuất.

Hàng ngàn phòng khách sạn, nhà ở, chung cư sẽ được tung ra thị trường vào năm 2023, khẳng định rằng ngành công nghiệp xây dựng của Qatar vẫn sẽ không dừng lại sau World Cup.

Qatar Qatar

Thành phố Lusail trước và sau khi được Qatar xây dựng phục vụ tầm nhìn World Cup.

Dân số Qatar đã tăng 14% trong năm qua, tính đến ngày 31/10/2022, lên mức gần 3 triệu người. Giới chức Qatar hi vọng mức độ tăng trưởng này tiếp tục được duy trì, tạo nền tảng vững chắc cho xã hội.

Theo kế hoạch Tầm nhìn Quốc gia 2030, Qatar sẽ vẫn tiếp tục xây dựng công trình quy mô lớn nhằm hiện đại hóa các thành phố và thúc đẩy sự phát triển bền vững, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế trong vài năm tới.

Theo (Người đưa tin)
https://www.nguoiduatin.vn/qatar-34-lot-xac-34-ra-sao-nho-to-chuc-ky-world-at-gia-nhat-lich-su-a582099.html
Copy Link
https://www.nguoiduatin.vn/qatar-34-lot-xac-34-ra-sao-nho-to-chuc-ky-world-at-gia-nhat-lich-su-a582099.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Qatar "lột xác" ra sao nhờ tổ chức kỳ World đắt giá nhất lịch sử?