Quản lý thiết bị điện phòng học từ xa

Chi Nhật | 03/04/2022, 07:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các nhà khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ (CTUT) đã nghiên cứu thành công hệ thống giám sát quản lý thiết bị điện và quản lý phòng thí nghiệm từ xa.

TS Nguyễn Văn Kiệt (giữa) cùng nhóm nghiên cứu.TS Nguyễn Văn Kiệt (giữa) cùng nhóm nghiên cứu.

Giám sát bằng điện thoại thông minh

TS Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, tháng 12/2019, nhóm bắt đầu áp dụng công nghệ IoT để quản lý từ xa giúp điều khiển và đảm bảo an toàn cho các thiết bị, dụng cụ tại phòng thí nghiệm Vật lý, Hóa học thông qua điện thoại thông minh tại Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ (CTUT).

TS Kiệt chia sẻ, việc sử dụng điện tại các phòng học nói chung, phòng thí nghiệm Vật lý và Hóa học nói riêng còn tồn tại một số bất cập. Sinh viên thực tập xong nhưng quên tắt các thiết bị điện. Đôi khi, cán bộ viên chức khi ra về quên tắt hết các thiết bị điện như đèn, máy vi tính, máy lạnh… trong phòng làm việc.

Tại phòng thí nghiệm, đôi khi sinh viên thực tập quên đậy nắp lọ chứa hóa chất. Kho chứa hóa chất tổng hợp có thể bị rò rỉ lượng nhỏ mà cán bộ quản lý không phát hiện được bằng quan sát thông thường.

Nhận thấy những bất cập nêu trên, nhóm quyết định thực hiện đề tài “Hệ thống quản lý từ xa và đảm bảo an toàn cho các thiết bị tại phòng thí nghiệm thông qua smartphone”. Trong đó, nhóm xây dựng và lắp đặt hệ thống quản lý từ xa các thiết bị điện tại phòng thí nghiệm Vật lý và Hóa học, giúp điều khiển, giám sát hoạt động của đèn, quạt và các thiết bị điện có trong phòng thí nghiệm thông qua điện thoại thông minh.

Nhóm còn xây dựng và lắp đặt hệ thống cảm biến khí độc, khí dễ cháy tại phòng thí nghiệm Hóa học với mục đích thu thập dữ liệu về nhiệt độ, nồng độ của khí dễ cháy như ethanol (C2H5OH), hydrogene (H2), methane (CH4), nồng độ khí độc carbon monoxide (CO) và gửi số liệu về điện thoại. Khi nồng độ của một trong số các khí trên vượt giới hạn cho phép, hệ thống này sẽ phát loa báo động được lắp tại phòng thí nghiệm, đồng thời trên smartphone của cán bộ quản lý phòng thí nghiệm.

Yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai ứng dụng sản phẩm là phải có điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc iOS có kết nốiInternet, phần mềm Blynk.

Ngoài các phòng thí nghiệm Vật lý và Hóa học, nhóm đã mở rộng lắp đặt hệ thống điều khiển các thiết bị điện qua smartphone tại Phòng Quản trị thiết bị, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Ngoài ra, nhóm cũng đã ký kết được hai hợp đồng thi công và lắp đặt ba hệ thống. Sản phẩm đã được chuyển giao, lắp đặt và sử dụng tại nhà nuôi yến và tại nhà ở của Công ty TNHH N.H.A ở TP Cần Thơ.

Do tính đơn giản, dễ sử dụng, dễ lắp đặt nên sản phẩm này có thể áp dụng cho các phòng thí nghiệm, phòng học, phòng làm việc ở các trường học, bệnh viện, nhà ở cá nhân, các văn phòng làm việc …

Quy trình quản lý của hệ thống được vận hành bởi thành viên trong nhóm nghiên cứu.

Phát hiện khí độc, khí dễ cháy ở nồng độ nhỏ

TS Kiệt cho biết, sản phẩm tích hợp chức năng hẹn giờ trong phần mềm Blynk, dễ dàng cài đặt thời gian tự động bật (hoặc tắt) các thiết bị điện tùy theo nhu cầu ngay trên điện thoại mà không cần phải mua thêm bất kỳ thiết bị hẹn giờ khác. Khả năng hẹn giờ của sản phẩm rất linh hoạt, có thể cài đặt theo giờ, phút, giây, thứ… cho một thiết bị hoặc trên nhiều thiết bị và có thể lặp lại nhiều lần.

Tính đơn giản và sự linh hoạt trong việc hẹn giờ giúp cán bộ quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tại phòng thí nghiệm, tiết kiệm điện năng và tăng tuổi thọ của chúng.

Hệ thống điều khiển được nhiều loại thiết bị điện khác nhau, từ những thiết bị có công suất nhỏ như đèn, quạt… đến công suất lớn như máy điều hòa, máy bơm, tủ sấy… Có thể kết nối với các hệ sinh thái thông minh khác như Google Assistant giúp người dùng có thể điều khiển bằng giọng nói qua trợ lý Google trên smartphone hoặc loa Google home mini. Một sản phẩm có thể chia cho nhiều người sử dụng, quản lý cùng lúc và luôn đồng bộ với nhau.

Nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí độc và khí dễ cháy liên tục được cập nhật trên điện thoại; Hệ thống cảnh báo phát loa khi nồng độ khí độc, khí dễ cháy vượt mức cho phép và đồng thời gửi cảnh báo đến cán bộ quản lý qua điện thoại thông minh.

Hệ thống điều khiển từ xa các thiết bị điện đã được được lắp đặt và sử dụng tại Phòng Quản trị thiết bị của nhà trường từ tháng 12/2019. Sau nhiều lần thử nghiệm và cải tiến, các hệ thống đã hoạt động ổn định và được sử dụng cho đến nay.

Nhóm nghiên cứu cho biết, sản phẩm của đề tài hoàn toàn có thể mở rộng áp dụng tại các hộ gia đình, các cửa hàng tiện ích, cơ quan làm việc… Có thể phát hiện khí độc, khí dễ cháy ở nồng độ nhỏ mà sự quan sát thông thường không thể phát hiện được, đảm bảo an toàn cho giảng viên và sinh viên, an toàn hóa chất và các thiết bị tại phòng thí nghiệm.

Giúp sử dụng các thiết bị điện hợp lý hơn, tăng tuổi thọ sử dụng của thiết bị, mang lại hiệu quả thiết thực trong quản lý và sử dụng thiết bị tại phòng thí nghiệm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý thiết bị điện phòng học từ xa