Chiều 6/7, tỉnh Quảng Trị tổ chức “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tham dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; cùng khoảng 500 đại biểu lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện chính quyền các tỉnh nước bạn Lào, Thái Lan; các doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Tại Hội nghị, UBND tỉnh cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh, các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, định hướng phát triển của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là tỉnh công nghiệp - dịch vụ. Đồng thời, Quảng Trị sẽ là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2030, bao gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 8,2%; Cơ cấu kinh tế tăng tỉ lệ Công nghiệp - Xây dựng chiếm 37%; Thương mại dịch vụ chiếm 47,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 140 - 170 triệu đồng/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 434 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 62.000 tỷ đồng.
Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ. Trở thành động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tỉnh Quảng Trị xác định 4 tiểu vùng phát triển, gồm: Vùng trung du và đồng bằng cao. Đây là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và đô thị; ưu tiên hoàn thiện hệ thống đô thị hiện hữu, phát triển các khu công nghiệp và nâng cấp hạ tầng, cải thiện kết nối.
Vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp khí, công nghiệp đa ngành, Logistics, các khu du lịch dịch vụ tổng hợp, đô thị biển. Hai vùng phụ trợ gồm Vũng trũng tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao; du lịch sinh thái.
Các hành lang phát triển, gồm Hành lang trung tâm gắn với Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc – Nam; Hành lang ven biển gắn với đường ven biển; Hành lang Đông - Tây dọc theo quốc lộ 9 và quốc lộ 15D; Hành lang phụ trợ dọc theo biên giới; Hành lang phụ trợ dọc theo đường 9D.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh, từ đó đã mở ra không gian phát triển mới, cơ hội, vận hội mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, Quảng Trị đang từng bước khai thác tốt hơn các lợi thế về vị trí địa kinh tế - chính trị, thực hiện vai trò kết nối giữa các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển KTXH như chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của mình; quy mô GRDP còn thấp.
Lãnh đạo Chính Phủ đánh giá, quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030 sẽ mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Trị hội tụ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư và phát triển mạnh theo hướng xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Xây dựng kết cấu hạ tầng logistic chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao;… hướng tới trở thành là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Trị trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp nhận nhà đầu tư với 8 dự án; giấy chứng nhận đầu tư; văn bản chấp thuận nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư… đối với 5 doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án tại Quảng Trị.