Ngoài ra, nhà lãnh đạo el-Sisi coi Hamas là một rủi ro an ninh. Ông coi nhóm này thân cận với một trong những đối thủ chính trị của mình là nhóm Anh em Hồi giáo, trong khi các quốc gia lân cận khác như Qatar đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hamas.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn có thể thay đổi nếu tình hình ngày càng xấu đi và hàng nghìn người Gaza tìm cách vượt qua biên giới Ai Cập.
Các bệnh viện ở Gaza cho biết họ sắp hết nhiên liệu và sẽ không thể tiếp tục hoạt động. Vụ đánh bom của Israel đã san bằng toàn bộ khu vực lân cận và gần nửa triệu người dân địa phương đã phải di dời. Quân đội Israel tuyên bố họ muốn 1,1 triệu người ở phía Bắc Gaza di chuyển về phía Nam - nghĩa là hướng tới cửa khẩu biên giới Rafah và Ai Cập.
Nếu mọi việc trở nên tồi tệ hơn, Ai Cập có thể buộc phải tiếp nhận thêm người tị nạn Palestine.
Jordan
Jordan cũng giáp Israel và có lịch sử lâu dài với tư cách là nước đối thoại trong lĩnh vực này. Kể từ năm 1994, như một phần của thỏa thuận hòa bình Jordan - Israel, Jordan đã là người bảo vệ một số địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Jerusalem. Tuy nhiên, các nhà phân tích thừa nhận Jordan không có nhiều mối quan hệ với Hamas.
Đầu tuần này, khi khai mạc phiên họp mới của Quốc hội Jordan, Quốc vương Abdullah II nói rằng không thể có hòa bình ở Trung Đông nếu không có cơ sở của giải pháp hai nhà nước.
Giải pháp hai nhà nước có nghĩa là Israel và Palestine trở thành hai quốc gia láng giềng riêng biệt. Bất chấp thực tế là nhiều chính trị gia coi đây là một giải pháp tiềm năng, hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận giải pháp hai nhà nước đã không khả thi trong nhiều năm nay.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) gặp Quốc vương Jordan ngày 13/10. Ảnh: Reuters
Nhưng Jordan có mối quan hệ tốt với Mỹ và Quốc vương Jordan đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 13/1. Jordan là một trong những nước đầu tiên phái máy bay chở đầy hàng viện trợ tới Ai Cập cho Gaza và trong tuần này đã quyên góp 4,3 triệu USD cho các nỗ lực của Liên hợp quốc tại Gaza.
Qatar
Qatar có một số mối quan hệ gần gũi nhất trong khu vực với Hamas. Tổ chức vũ trang Hồi giáo này duy trì một văn phòng tại Qatar và một số thủ lĩnh cấp cao của Hamas sống ở Doha.
Kể từ năm 2020, thủ lĩnh chính trị của nhóm, Ismail Haniyeh, người gốc Gaza, đã sống ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, không còn được tự do đi lại qua cửa khẩu biên giới Ai Cập.
Chỉ chưa đầy một tuần sau vụ tấn công vào Israel, hãng tin Reuters đưa tin Qatar đang cố gắng giúp đàm phán cả lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin do Hamas bắt giữ để lấy 36 phụ nữ và trẻ em Palestine từ các nhà tù của Israel.
Qatar trước đây đã làm trung gian giữa Hamas và Israel và cũng đã giúp tổ chức các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ. Một nguồn tin nói với Reuters rằng Mỹ cũng tham gia vào các cuộc đàm phán hiện tại và chúng đang tiến triển tích cực. Tuy nhiên, một nguồn tin của Israel phủ nhận điều này và nói rằng không có cuộc đàm phán nào diễn ra.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, thường xuyên ủng hộ người Palestine. Nước này cũng là nơi đặt văn phòng của Hamas và đã mời các nhà lãnh đạo cấp cao của Palestine tới Istanbul để đàm phán trong thời gian gần đây. Không giống như các đồng minh quân sự ở châu Âu và Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ không coi Hamas là tổ chức khủng bố.
Tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị giúp làm trung gian hòa giải giữa Hamas và Israel.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel chỉ mới được cải thiện gần đây, dẫn đến bình thường hóa vào năm 2022. Quan hệ này đã căng thẳng kể từ năm 2010, khi lực lượng đặc biệt của Israel giết chết 10 thành viên Thổ Nhĩ Kỳ trong một đội tàu chở viện trợ tới Gaza (theo Israel là bất hợp pháp) qua đường biển.
Bất chấp mối quan hệ thân thiện, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn chỉ trích vụ đánh bom trả đũa của Israel vào Gaza. Ông Erdogan cũng chỉ trích việc Mỹ điều động tàu chiến vào khu vực.