Quy định mới đánh giá học sinh trung học: Không còn 'lạm phát' giấy khen

Hiếu Nguyễn | 04/06/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau một năm triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh trung học, nhiều ưu điểm được cơ sở giáo dục ghi nhận, trong đó có những thay đổi rõ rệt trong việc khen thưởng học sinh.

Tinh thần của Thông tư 22 là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, sự tương tác giữa thầy trò. Ảnh minh họa: Thế ĐạiTinh thần của Thông tư 22 là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, sự tương tác giữa thầy trò. Ảnh minh họa: Thế Đại

Không còn tràn lan

Cô Lê Thị Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), cho rằng: Quy định đánh giá mới có một số ưu điểm nổi bật, thể hiện rõ tinh thần vì sự tiến bộ của học sinh. Thay vì nhận xét chủ yếu từ giáo viên như trước đây, thực hiện Thông tư 22 giáo viên phải tham khảo ý kiến tự đánh giá của học sinh, ý kiến cha mẹ học sinh, từ đó việc đánh giá bằng nhận xét của giáo viên khách quan hơn nhiều.

Đặc biệt, hình thức đánh giá thường xuyên phong phú, đa dạng hơn, không giới hạn số lần đánh giá nên khích lệ được tinh thần cố gắng để tiến bộ của học sinh, giúp các em bộc lộ được năng lực, phẩm chất tốt hơn.

Riêng về việc khen thưởng, cô Thảo cho biết: Một trong những điểm mới của Thông tư 22 là hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi và học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.

Để đạt học sinh xuất sắc, các em cần có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên. Đạt học sinh giỏi, các em cần có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt. Ngoài ra, học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

“Nếu như theo Thông tư 58 và Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung Thông tư 58, hằng năm tỷ lệ học sinh được hiệu trưởng tặng giấy khen (học sinh giỏi, học sinh tiên tiến) vào khoảng 40%, thì tỷ lệ này giảm hẳn khi áp dụng Thông tư 22. Như năm học 2021 - 2022, trong số 50 học sinh khối 6, chỉ có 8 em đạt danh hiệu học sinh giỏi (đạt 16%). Trường không có học sinh nào đạt xuất sắc.

Có thể thấy, không còn việc khen thưởng tràn lan. Để đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, các em phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Học sinh trân trọng kết quả đạt được hơn; với những em chưa đạt được danh hiệu thì có động lực để cố gắng phấn đấu” - cô Lê Thị Thu Thảo chia sẻ.

Thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), nhận định, hiện tượng “mưa” giấy khen cuối mỗi năm học vẫn còn xảy ra ở một số cấp học, trường học. Nguyên nhân là do việc tổ chức kiểm tra đánh giá quá trình học tập ở một số cơ sở giáo dục làm chưa tốt. Bên cạnh đó, theo Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh đạt các danh hiệu thì được khen thưởng. Do đó, nhiều cơ sở giáo dục, tất cả học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trở lên đều được khen thưởng.

Với Trường THPT Phú Bài, kiểm tra, đánh giá (thường xuyên, định kỳ, cuối kỳ, giữa kỳ) đều được tổ chức nghiêm túc và khoa học. Cuối năm, nhà trường chỉ khen thưởng đối với học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Học sinh tiến tiến trường cấp giấy chứng nhận chứ không khen thưởng.

Thông tư 22 về đánh giá học sinh trung học được triển khai từ năm học 2021 - 2022 với lớp 6 chỉ quy định danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi; điều kiện để đạt được xuất sắc, giỏi cũng có các ràng buộc khó hơn trong kết quả kiểm tra định kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ. Với quy định mới, thầy Hoàng Minh khẳng định, việc khen thưởng sẽ đúng người, thực chất hơn mà vẫn động viên sự nỗ lực cố gắng của học sinh; đồng thời hạn chế “mưa” giấy khen vào mỗi cuối năm học.

Các học sinh xuất sắc lớp 6A2, Trường THCS Nam Từ Liêm nhận giấy khen cuối năm học 2021 - 2022.

Ghi nhận từng nỗ lực của học sinh

“Thông tư 22 xét khen thưởng danh hiệu cho học sinh dựa trên 6/8 môn bất kỳ; hoàn toàn không phân biệt môn chính - phụ như trước đây. Quy định này đưa các môn học về vị trí quan trọng riêng của nó trong sự phát triển toàn diện của mỗi học sinh”. Cùng nhận định này, cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), cũng cho biết: Khi thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 22, số lượng danh hiệu học sinh xuất sắc, giỏi giảm nhiều, kéo theo tỷ lệ học sinh được khen thưởng cuối năm giảm.

Tuy nhiên, ngoài căn cứ khen thưởng theo Thông tư 22, giáo viên, ban phụ huynh lớp luôn theo sát và khen thưởng, động viên học sinh theo từng giai đoạn học với các hình thức phong phú: Bình chọn học sinh là sao tháng, học sinh có tiến bộ vượt bậc, học sinh duy trì tốt phong độ học tập... Trong quá trình học, giáo viên thường chia nhóm để học sinh làm việc, mỗi bạn có một thế mạnh riêng để phát huy, đóng góp cho phong trào học tập cũng như hoạt động của lớp. Chính vì thế, các em đều được khen tương xứng với năng lực, đóng góp của mình. Học sinh không bị thành tích qua giấy khen, đồng thời tự tin để cố gắng.

Chia sẻ của cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội), theo Thông tư 22, số lượng học sinh được khen thưởng cuối năm học rất ít, chỉ có học sinh xuất sắc, học sinh giỏi mới được khen thưởng. Việc khen thưởng không chỉ là ghi nhận, hơn thế đó còn động viên, khích lệ để học sinh có động lực học tập.

Vì vậy, cuối năm học này, đối với những em khối lớp 6, bên cạnh những học sinh được khen thưởng theo tiêu chí Thông tư 22, giáo viên chủ nhiệm tại Trường THCS Ban Mai đã kết hợp với ban phụ huynh lớp, khen thưởng những học sinh chưa đạt giỏi, xuất sắc với các danh hiệu khen từng mặt: Học sinh hoàn thành tốt tiêu biểu, học sinh rèn luyện tốt tiêu biểu, lãnh đạo đọc sách tiêu biểu, lãnh đạo phong trào tiêu biểu...

“Thực tế, nhiều học sinh có học lực trung bình, khá, nhưng trong năm học đã có sự nỗ lực đáng ghi nhận so với năng lực của bản thân. Những danh hiệu này ghi nhận và khen ngợi thế mạnh từng mặt, giúp các em tự tin, nỗ lực hơn, tạo động lực để tiếp tục phấn đấu” - cô Trần Thị Thảo cho hay.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy định mới đánh giá học sinh trung học: Không còn 'lạm phát' giấy khen