Đơn cử, Điều 140 dự thảo Luật Đất đai quy định thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất được phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 143 của dự thảo lại quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ quan đăng ký đất đai.
“Tôi cho rằng đây là điểm chưa thống nhất. Để khắc phục hạn chế trên, theo tôi, luật cần tách bạch rõ ràng hoạt động công nhận quyền sử dụng đất và hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,” bà Nga nhấn mạnh.
Cấp sổ đỏ phải gắn điều kiện không tranh chấp
Với kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực giảng dạy bộ môn Luật Đất đai, tư vấn và giải quyết tranh chấp về đất đai, Phó Trưởng khoa Pháp luật kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội) Nguyễn Thị Nga cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ bản chất cụ thể giữa việc cấp sổ đỏ và việc cộng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.
“Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận phải gắn chặt với điều kiện có giấy tờ qua các thời kỳ đồng thời phải gắn điều kiện không có tranh chấp,” bà Nga lưu ý.
Đối với quy định về tài sản vợ chồng, theo bà Nga, luật đã quy định quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng nên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi đầy đủ họ tên của cả vợ và chồng. Đây là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi cũng như sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng.
Trường hợp “vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người” thì luật cần quy định rõ thỏa thuận ghi tên vợ, hoặc chồng là “đại diện” đứng tên trên sổ đỏ.
Điều này có nghĩa là quy định thỏa thuận ghi tên một người là vợ hoặc chồng chỉ cho phép thỏa thuận đại diện người đứng tên, còn quyền tài sản vẫn phải đảm bảo phân định là tài sản tạo ra trước thời kỳ hôn nhân, trong thời kỳ hôn nhân như thế nào để xác định tài sản chung hay tài sản riêng trong quan hệ vợ chồng.
“Trong bối cảnh dự thảo Luật Đất đai đã và đang được lấy ý kiến toàn dân, với những phân tích nêu trên, tôi mong dự luật sau khi được thông qua sẽ có khung pháp lý hoàn chỉnh; góp phần thúc đẩy hoạt động đăng ký đất đai và cấp sổ đỏ đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và quan trọng hơn hết là nâng cao được hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai,” bà Nga nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để thuận tiện hơn trong việc cấp sổ đỏ cho người dân, ngay từ lúc này, các địa phương cũng cần tiến hành việc thống kê các trường hợp gặp vướng mắc; đề xuất các giải pháp cụ thể, để cơ quan chức năng có thể “thanh lọc” các trường hợp đủ điều kiện để cấp sổ đỏ, tránh bị tồn đọng, kéo dài.
Thậm chí, theo tiến sĩ Trần Quang Huy - Khoa Pháp luật Kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội), hiện nay, nhiều trường hợp vẫn chưa được cấp sổ đỏ, vì thế Nhà nước cần phải có giải pháp, kể cả những người chưa có đủ giấy tờ, cũng cần phải xem xét cấp sổ vì sau khi cấp rồi Nhà nước mới quản lý được.
Về phía cơ quan soạn thảo, ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết tính đến cuối tháng 3/2023 đã có hơn 9 triệu lượt góp ý; trong đó có nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ.
“Các ý kiến đóng góp của nhân dân, các cơ quan, tổ chức và giới chuyên gia sẽ được Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tổng hợp một cách đầy đủ, nghiên cứu kỹ để tiếp thu, giải trình và báo cáo Chính phủ, Quốc hội,” ông Chính nhấn mạnh./.