Trả lời VTC News, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận xét: "Quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới lẽ ra phải được triển khai sớm hơn. Nhưng sự thay đổi tích cực này của Bộ GTVT cũng được dư luận đánh giá rất cao, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị của lãnh đạo Bộ vì đem lại lợi ích lớn cho người dân và cả doanh nghiệp”, ông Liên nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc miễn đăng kiểm lần đầu đối với xe mới và kéo dài thời gian đăng kiểm đối với một số phương tiện vận tải chắc chắn sẽ góp phần giảm ách tắc tại các trung tâm đăng kiểm, bởi tổng cầu đăng kiểm sẽ giảm đi.
Ông Đinh Văn Trường, Tổng Giám đốc hãng taxi Hương Lúa thông tin: Ngày 23/3, doanh nghiệp mua một xe mới và showroom mang đi làm các thủ tục giúp nhưng không triển khai được. Trung tâm đăng kiểm trả lời nguyên nhân là do cán bộ chưa được hướng dẫn đào tạo kịp, phương tiện thiếu, nhân lực thiếu và vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải mang xe đến. Như vậy là thông tư có hiệu lực từ 0h ngày 22/3 nhưng đến hôm sau vẫn chưa được áp dụng.
Theo ông Trường, các cơ quan Nhà nước khi ra thông tư thì phải có sự chuẩn bị trước về các điều kiện cần thiết về mãy móc thiết bị, về con người, rồi được tập huấn để khi thông tư có hiệu lực thì triển khai được luôn.
Theo Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, với ô tô chở người trên 9 chỗ, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
Đối với nhóm ô tô tải, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.