Về tính chất, TP Biên Hoà là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai; có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh; là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo; đầu mối logistics quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ.
Đồng thời, TP Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong Vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 vùng TP HCM và cảng Đồng Nai; là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng cũng như của cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn TP Biên Hòa có đến 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Trong số này, KCN Biên Hòa 1 hiện đã được đưa ra khỏi quy hoạch các KCN Việt Nam. Thực tế, việc phát triển các KCN đã mang lại những bước tiến lớn cho đô thị Biên Hoà trên khía cạnh phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp cũng mang lại những hệ lụy, trong đó việc gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của đô thị Biên Hoà. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị Biên Hoà còn nhiều hạn chế.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lý Thành Phương cho rằng, việc phát triển công nghiệp không phải địa phương nào muốn phát triển cũng được. Biên Hoà có nhiều lợi thế và lĩnh vực công nghiệp đã có sự phát triển nhanh.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị tại Biên Hoà, việc đầu tư cho nhu cầu nhà ở cũng như các công trình phúc lợi chưa tương xứng. Chính vì vậy, việc định hướng chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị là phù hợp. “Việc phát triển lĩnh vực dịch vụ cần lấy các dịch vụ phục vụ cho cộng đồng dân cư tại chỗ làm chủ đạo”- ông Lý Thành Phương chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để có thể thực hiện chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị, cần phải tính toán cho đô thị Biên Hòa về hệ thống kết nối liên vùng giao thông để thu hút các nhà đầu tư. Thế mạnh của Đồng Nai là có đủ 5 loại hình giao thông. Do đó, vấn đề hiện nay là phải rà soát và kết nối lại với nhau, trong đó cần đặc biệt chú ý đến giao thông đường bộ và đường thủy.
Cùng với đó, khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác cũng sẽ tạo ra cơ hội quý giá cho địa phương thực hiện gắn kết về giao thông. Bởi Biên Hòa có vị trí rất gần với Sân bay Long Thành.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các KCN trong phát triển kinh tế, ông Phan Đăng Sơn cho rằng, việc chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị Biên Hòa cần phải được thực hiện ngay trong các KCN.