Quy hoạch điện VIII tạo đột phá trong ngành năng lượng

20/05/2023, 12:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Ông Hoàng Tiến Dũng cho hay, phát triển điện đi đôi với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và chuyển đổi mô hình kinh tế; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước. Quy hoạch phát triển điện mang tính động và mở, thích ứng với bối cảnh các đối tác lớn đang và sẽ thực thi các tiêu chuẩn khắt khe về đánh thuế các bon trong hàng hóa nhập khẩu.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cũng cho rằng, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII sau 2 năm rà soát, ngoài tập trung phát triển năng lượng tái tạo sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện để giúp giải toả công suất cho các dự án năng lượng tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam, cũng như các tuyến đường dây 500 kV, giúp cân đối cung cầu giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa rất lớn với việc đảm bảo an toàn an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đầu tiên sẽ giúp những dự án nguồn điện lớn triển khai đúng tiến độ có thể hoà vào lưới điện quốc gia đúng kế hoạch, khi đó, các dự án lưới truyền tải điện cũng được hoàn thành đồng bộ. Thứ nữa, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm (trong giai đoạn 2021 -2030), khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong (giai đoạn 2031 - 2050). Điều này giúp đảm bảo an toàn an ninh năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.

Khẩn trương thực hiện Quy hoạch

Các chuyên gia đều cho rằng, quy hoạch lần này được xây dựng cẩn thận, có nhiều nội dung mang tính đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được.

Nhìn chung, Quy hoạch điện VIII vừa đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vừa thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, với sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy hoạch điện VIII, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như phương án phát triển nguồn điện và lưới điện mà Việt Nam sẽ thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như các giải pháp tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng công bằng với hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đồng thời phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo.

Việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Để thực hiện những mục tiêu trong quy hoạch này, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong đó cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể, thời gian hoàn thành… để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch và huy động các nguồn lực cho phát triển ngành điện, bảo đảm các phương án quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Ngoài ra, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tập trung nghiên cứu, tham mưu cấp thẩm quyền, kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách có liên quan nhằm hoàn thiện khung chính sách về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, đảm bảo đồng bộ và khả thi.

Đặc biệt chú trọng xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi), Luật phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế đấu giá, đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư công trình điện; cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển công nghiệp chế tạo, thiết bị ngành điện phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

Bên cạnh đó, cần chủ động tích cực phối hợp các địa phương khẩn trương rà soát cập nhật đầy đủ các chủ trương, định hướng đề ra trong Quy hoạch điện VIII để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với các địa phương đã được phê duyệt quy hoạch, cần sớm đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa cấp quy hoạch theo quy định pháp luật. Đồng thời, chú trọng rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành địa phương như quy hoạch đất đai, xây dựng, tạo cơ sở tiền đề quan trọng cho việc triển khai các dự án phát triển điện lực trên địa bàn trong tương lai…

Theo TTXVN
Dự án điện gió tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). (Ảnh minh họa: TTXVN)
Copy Link
Dự án điện gió tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). (Ảnh minh họa: TTXVN)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch điện VIII tạo đột phá trong ngành năng lượng