Quy hoạch đô thị sông Hồng: Mòn mỏi chờ triển khai

Theo Trần Hoàng - Thanh Hiếu | 13/07/2023, 07:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đất ngoài bãi sông Hồng lâu nay được ví như một “mỏ vàng” để phát triển du lịch sinh thái, thế nhưng do đặc thù đất ngoài đê nên khu vực này được cho là nhạy cảm khi đầu tư bất cứ loại hình gì.

Lãng phí đất đai

Khu sinh thái Đầm Trành là khu đất rộng 20ha nằm trên địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Những năm trước đây, khu đất được trồng hàng chục nghìn cây hoa hồng và các loại hoa theo mùa với nhiều tiểu cảnh bắt mắt tạo nên một điểm hấp dẫn để chụp ảnh, vui chơi. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, hoa hồng bị chặt bỏ, các mô hình chụp ảnh bị tháo dỡ, khu vực này dần lâm vào cảnh hoang phế. Ông Hoà (chủ cơ sở tại Đầm Trành) cho biết, doanh nghiệp ký hợp đồng hàng năm với địa phương để phát triển du lịch sinh thái tại khu vực này, mỗi năm nộp thuế nông sản cho nhà nước khoảng 1,7 tỷ đồng.

“Khi còn bị vướng nhiều luật liên quan, rất khó để các địa phương triển khai quy hoạch chi tiết. Do đó, để triển khai quy hoạch sông Hồng, cần có một cơ chế đặc thù cho việc này, ví dụ như một Nghị quyết của Quốc hội dành riêng cho quy hoạch đô thị sông Hồng như đã có với siêu dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội

Tuy nhiên, sau đợt thanh kiểm tra vào năm 2017, chính quyền quận Long Biên, phường Thạch Bàn lập biên bản yêu cầu tháo dỡ một số hạng mục không đảm bảo thoát lũ. “Thực hiện yêu cầu, chúng tôi đã thuê đơn vị thi công tháo dỡ sân bóng, nhà chòi và một số công trình phụ trợ. Nhưng khi hoàn thành tháo dỡ, chúng tôi vẫn không được ký tiếp hợp đồng”, ông Hoà nói. Như vậy, từ năm 2019 đến nay đơn vị này không tiếp tục đóng thuế, nhìn đất đai hoang hoá nhưng cũng không thể làm gì vì chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án cho khu đất này. “Chúng tôi chỉ mong muốn được đầu tư, phát triển theo đúng định hướng của lãnh đạo địa phương. Nhưng đến giờ này mọi thứ vẫn không có gì rõ ràng”, ông Hoà bức xúc.

Quy hoạch đô thị sông Hồng: Mòn mỏi chờ triển khai - Ảnh 1.

“Công viên Hoa hồng” tại khu Đầm Trành nay chỉ còn là bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm

Đây cũng là tình cảnh chung của một số doanh nghiệp "lỡ" đầu tư vào khu vực đất ngoài đê.

Cần cơ chế đặc thù để triển khai quy hoạch

Ngày 31/3/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua, quy hoạch này vẫn chưa được triển khai cụ thể. Ông Bùi Trí Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) cho biết, rất mong quy hoạch sớm được triển khai. Bởi nếu triển khai được, các xã/phường ven sông nói riêng sẽ được hưởng lợi nhiều. Một số khu vực sẽ được cải tạo, kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông Hồng, tạo không gian hài hoà phát triển.

Ông Đức cho biết cũng chưa nắm được tiến độ triển khai quy hoạch như thế nào. Trước mắt, UBND phường đang tổng hợp những vi phạm trên đất, thống kê, tập hợp các loại đất để báo cáo UBND quận. Trên cơ sở đó, UBND quận sẽ có phương án để tổ chức đấu thầu đúng quy định.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho biết, huyện có 3 xã thuộc vùng quy hoạch phân khu sông Hồng. Theo quy hoạch nơi đây chủ yếu là cây xanh, thuộc vành đai xanh.

Hiện UBND huyện đang lập phương án cho thuê đất để trồng các loại cây ngắn ngày. Thời gian thuê đất bãi bồi hiện là 5 năm, ông Tuấn cho rằng thời gian thuê 5 năm là ngắn, nhà đầu tư sẽ không dám đầu tư lớn cho sản xuất, kinh doanh.

Được biết, tại huyện Đan Phượng đã có một số đơn vị đang hoạt động sản xuất nông nghiệp ở bãi sông, tiêu biểu là Tập đoàn GFS với mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, thời hạn thuê đất ngắn là cản trở đối với kế hoạch đầu tư dài hơi tại vùng đất bãi. UBND huyện Đan Phượng đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chấp thuận cơ chế riêng cho khu vực này nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 429 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 257 năm 2016 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Quyết định 429 làm rõ nội dung quy định về quản lý, sử dụng bãi sông. Cho phép địa phương rà soát các khu dân cư hiện hữu để đưa vào quy hoạch tỉnh.

Theo vị này, những sửa đổi tại Quyết định 429 của Thủ tướng Chính phủ là tháo gỡ lớn, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển khu vực bãi bồi ven sông Hồng, sông Thái Bình. “Đến thời điểm này đã có 7/15 tỉnh gửi đề xuất tăng tỷ lệ xây dựng tại bãi sông để mời gọi nhà đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Hiện, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Quy hoạch thủy lợi để tính toán các đề xuất này”, đại diện Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Một lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch phát triển đô thị 2 bên sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt đối với vị thế của Thủ đô trong tương lai và sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội ở khu vực phía Đông của thành phố. Ngay sau khi quy hoạch phân khu sông Hồng được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, Sở đã có nhiều văn bản đốc thúc các quận, huyện nhanh chóng thực hiện việc rà soát dân cư, cắm mốc giới, thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500. Một số quận, huyện đã rà soát xong và có một số đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi thực hiện các quy hoạch chi tiết là sông Hồng là sông của quốc gia, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành chứ không phải của riêng Hà Nội. Mọi hoạt động liên quan đến bờ sông đều phải thông qua các bộ, ngành liên quan.

Bài liên quan
Cận cảnh cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định hoàn thành 80%
Cầu sông Hồng có tổng chiều dài 1,4 km với tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng, nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định).

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch đô thị sông Hồng: Mòn mỏi chờ triển khai