Trên cơ sở đó, PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà lưu ý: Hà Nội cần tuân thủ nhận thức “Lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng”. Trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới.
Về trục phát triển, quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán về trục phát triển sông Hồng: Tâm linh, môi trường, giao thông, cây xanh, mật độ xây dựng và kiến trúc, văn hóa...
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà, trong số các trục phát triển của Hà Nội thì trục sông Hồng có tính kết nối cao, rộng nhất, trên nhiều phương diện.
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải quán triệt sâu sắc và thống nhất thực hiện triết lý phát triển Thủ đô. “Nói một cách giản dị đó là những tư tưởng chủ đạo, những quan điểm có ý nghĩa định hướng, dẫn dắt cộng đồng và con người thực hiện thành công mục tiêu phát triển Thủ đô”, GS.TS Phú nêu.
Triết lý phát triển Thủ đô được hình thành trên cơ sở đánh giá, phân tích đặc điểm địa chính trị, kinh tế của Hà Nội; xuất phát từ việc xác định mục tiêu phát triển và được xác định từ việc đánh giá bản sắc và những lợi thế vượt trội của Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TW “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một trong những cơ sở quan trọng để xác định triết lý phát triển của Hà Nội.
Cũng từ việc phân tích những nét đặc sắc, đặc trưng của Hà Nội, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu triết lý phát triển Thủ đô với 5 mệnh đề, 20 chữ: “Phát sáng nhân tài - Khai phóng trí tuệ - Lan toả nhân văn - Hoà điệu tự nhiên - Tiến cùng thời đại”. Triết lý này cần được thể hiện, quán triệt trong toàn bộ quá trình lập và triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô.