“Theo tôi, để hạn chế tình trạng này, trong bối cảnh hiện nay, việc phân công, phân cấp cần phải cụ thể và phải xử lý vi phạm quyết liệt. Hiện nay tình trạng xử lý vi phạm còn rất chung chung. Hy vọng việc sửa đổi các luật lần này sẽ khắc phục được tình trạng này. Các địa phương cần khẩn trương rà soát, kiên quyết thu hồi những dự án có dấu hiệu găm đất, dự án không thực hiện, hạn chế gia hạn nhiều lần”, ông Nghiêm nói.
Địa phương chịu trách nhiệm lớn nhất khi để dự án treo
Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều địa phương hiện nay cũng đang tồn tại không ít dự án treo nhiều năm mà chưa bị xử lý. Ngay tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng các dự án treo, quy hoạch treo nhiều năm cũng đã làm nóng nghị trường khi các đại biểu cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc có thu hồi được các dự án bỏ hoang hàng chục năm hay không phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của lãnh đạo các địa phương. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc thu hồi các dự án treo không khó. Bởi chỉ cần căn cứ theo quy định của Luật Đất đai là có thể “tịch thu” được các dự án chậm triển khai.
“Với các dự án chậm triển khai đã được gia hạn 24 tháng để chủ đầu tư khắc phục những tồn tại, vướng mắc mà vẫn tiếp tục bị “đắp chiếu” thì cơ quan quản lý nhà nước có thể thu hồi cả đất đai và tài sản gắn liền trên đất mà không phải đền bù cho bất cứ đối tượng nào theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, chỉ cần căn cứ vào luật là có thể xử lý được. Tôi cho rằng, chính quyền các địa phương có trách nhiệm rất lớn khi để hàng nghìn ha đất dự án bị treo hàng chục năm mà vẫn loay hoay trong việc thu hồi”, GS Đặng Hùng Võ nói và cho hay, có những dự án đã treo đến 25 năm, còn loại 10 năm thì rất nhiều: “Đây là một nguồn gây lãng phí rất lớn. Lẽ ra nguồn quỹ đất đai đó phải đưa vào sử dụng tạo ra nhà ở, tạo ra công xưởng để mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội, cho toàn dân. Thế nhưng hiện nay treo tới 10 năm, 20 năm thì cũng đồng nghĩa hiệu suất sử dụng đất gần như bằng 0, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế”.
Tại một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã từng bày tỏ quyết tâm của Hà Nội về việc kiên quyết xử lý các dự án treo, trong đó có những dự án không biết chủ đầu tư là ai. Có những dự án dù đã được các cấp, ngành của TP Hà Nội nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách nhưng chủ đầu tư cũng không thể thực hiện. Do vậy, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi rà soát, TP sẽ kiên quyết thu hồi các dự án không thể thực hiện được.
“TP đang rất quyết tâm, cố gắng trong năm nay và quý một sang năm “quét” một loạt dự án. Trong đó sẽ có dự án được thúc đẩy, dự án bị thu hồi. Mà đợt tới sẽ có khá nhiều dự án bị thu hồi. Tôi sẽ làm việc này!”, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: "TP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai… Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân", Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định”.