Bên cạnh vận động xây dựng mới, các cấp HKH trong tỉnh còn duy trì và nâng chân quỹ của nhiều loại quỹ như Quỹ KHKT Lam Sơn chân quỹ trên 24 tỷ đồng; Quỹ KHKT Lê Khả Phiêu chân quỹ trên 7 tỷ đồng; Quỹ KHKT Nguyễn Đan Quế chân quỹ 9,9 tỷ đồng, mỗi năm trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi và học sinh giỏi cấp tỉnh từ 600 đến 800 triệu đồng…
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã vận động được hơn 1.735 tỷ đồng. Từ số tiền vận động được, hằng năm có trên 45.000 học sinh, sinh viên được nhận học bổng, hỗ trợ; có hơn 99 nghìn học sinh, sinh viên, giáo viên, người lao động được thưởng, hỗ trợ.
Mức học bổng từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng/HSSV; mức thưởng cho học sinh, sinh viên, người lao động đoạt giải các kỳ thi quốc gia, quốc tế; người lao động giỏi có nhiều sáng kiến ít nhất 2 triệu đồng/người, nhiều nhất lên tới 120 triệu đồng (trao cho học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế)…
Kết quả này đã tiếp thêm động lực cho các em học sinh, sinh viên, giáo viên nỗ lực thi đua giảng dạy, học tập, rèn luyện; tiếp thêm sức mạnh cho ngành giáo dục thực hiện các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước.
Phong trào khuyến học khuyến tài tỉnh Thanh Hoá không dừng lại ở hoạt động xây dựng quỹ khuyến học hay hoạt động hỗ trợ nhà trường mà còn được lan tỏa và nhân rộng thông qua các mô hình tiểu biểu, như gia đình học tập, dòng học học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Từ phong trào, mô hình này, những làng, bản vốn nghèo khó ít được học đã có tỷ lệ học sinh đến trường cao, giảm thiểu học sinh bỏ học mỗi năm. Không những vậy, những năm qua, ghi nhận nhiều trường hợp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh nghèo đậu đại học với số điểm khá cao.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có 96% gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập; 93,4% dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ học tập, 100% thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng cộng đồng học tập.