Quỹ sẽ hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thực hiện trong trường hợp cấp bách.
Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Trước đó, chiều 24/5, giải trình trước Quốc hội một số nội dung tại dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Chính phủ chọn phương án thành lập quỹ trước khi xảy ra các vụ việc là “xuất phát từ bài học gần nhất là ứng phó với Covid-19”.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng vũ trang và y tế được Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lập các bệnh viện dã chiến trong vùng dịch. Để xây dựng bệnh viện dã chiến thời điểm này rất khó khăn, trang thiết bị giá hàng chục tỷ đồng lúc này cũng rất khó mua. Dù vậy, quân đội vẫn thành lập được 16 bệnh viện 500-1.000 giường ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có.
“Rõ ràng phải cần phải có lực lượng dự bị, phải cần có vốn, có quỹ, nếu lúc đó chúng ta mới thành lập thì sẽ thất bại”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ.
Theo đại tướng Phan Văn Giang, cơ quan soạn thảo đã tính toán không tăng biên chế vì quỹ sẽ giao cho Bộ Tài chính quản lý, tương tự như quỹ vaccine, khi cần Thủ tướng Chính phủ có thể quyết ngay.
Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.