Bên cạnh sự đồng thuận với các quy tắc ứng xử, nội quy, trên diễn đàn sinh viên một số trường, nhiều em cho rằng một số nội quy của trường mình khá “cứng nhắc”, “khó hiểu”. Trước khi chọn xét tuyển vào Trường Đại học Tài chính - Marketing, N.T.V. được một người chị khóa trên kể về việc trường từng quy định trong nội quy: Sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, nữ thì váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu. Cách đây 5 năm, quy định này khiến nhiều sinh viên nhà trường cho rằng quá “khắt khe”.
“Em cũng tìm trên web của trường và vẫn thấy bảng nội quy học đường với nội dung này. Em thấy như vậy là hơi gò bó, chỉ cần quy định ăn mặc lịch sự, kín đáo là được”, N.T.V. chia sẻ. Ở một số trường đại học, sinh viên được yêu cầu phải mặc đồng phục khi đến trường hoặc những quy định “mơ hồ” như trang phục có màu sắc trang nhã phù hợp với hình thể, trẻ trung, năng động…
Theo ThS Phạm Thái Sơn cho rằng, quy tắc ứng xử, nội quy nhà trường áp dụng chung cho giảng viên, người học toàn trường nên phải đảm bảo phù hợp với pháp luật, truyền thống đất nước. Chẳng hạn, nhà trường quy định ăn mặc lịch sự tức là sinh viên được quyền tự do chọn trang phục nhưng không được hở hang, phản cảm.
“Một bộ phận sinh viên nghĩ rằng, khi đã vào đại học, được tự do là muốn làm gì cũng được. Quan niệm này là không đúng. Cũng bởi vậy mà một số em vẫn còn chửi thề, nói tục trong trường, nghỉ học không xin phép… Sinh viên được tự do nhưng phải ở trong khuôn khổ”, ông Phạm Thái Sơn nói.
Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên năm học 2023 - 2024 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: HCMUE |
TS Nguyễn Hữu Long cho rằng, trong việc đặt ra các quy tắc, nội quy, cần phải phân biệt đâu là điều bắt buộc (phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức, truyền thống) và đâu là quyền tự do của mỗi cá nhân. Ông chỉ ra 4 nguyên tắc chính để xây dựng quy tắc ứng xử.
Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận giữa những điều nhà trường muốn và những đề xuất từ phía sinh viên. Vì thế, trước khi ban hành bộ quy tắc ứng xử hay các quy định học đường, nhà trường cần lấy ý kiến và thảo luận với sinh viên bởi các em là người sẽ thực hiện nó, là người liên quan trực tiếp nên việc làm này vừa giúp sinh viên nhận thức tốt hơn vừa làm cho các em cảm thấy được tôn trọng, nên sẽ thoải mái khi thực hiện hơn.
Thứ hai, phải đảm bảo đúng những quy định của pháp luật với những quy định những thứ thuộc về quyền con người. Nhà trường cần hạn chế đưa ra những quy định trái với pháp luật, trái với quyền con người.
Thứ ba, quy tắc ứng xử là vừa phải tạo ra nền nếp, kỷ cương nhưng phải đảm bảo sự thoải mái, không áp lực. Nội quy, quy định làm cho con người, môi trường sống tốt hơn nhưng cũng rất dễ gây ra những ức chế. Nhiều người thực hiện cảm thấy bị can thiệp vào cuộc sống, nặng hơn là bị xâm hại đến quyền lợi.
Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên tắc về tính linh hoạt trong quá trình thực hiện, bởi xử lý một vấn đề phải tùy thuộc vào tình hình thực tế, chủ thể của vấn đề. Làm được điều này vừa đảm bảo kỷ cương nhưng lại vừa đảm bảo nguyên tắc “thấu tình đạt lý”.
Theo TS Nguyễn Hữu Long, sinh viên là người trưởng thành theo quy định của pháp luật. Vì thế, việc các em thể hiện, cư xử thế nào để được người khác xem là trưởng thành mới là vấn đề cần để các bạn thực hiện. Trước hết, sinh viên phải biết chấp nhận gạt bỏ cái tôi, tức sở thích, mong muốn của cá nhân, nếu nó chỉ là của riêng mình để nhường cho lợi ích tập thể, cộng đồng.
Cùng quan điểm trên, song TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM cho rằng, cần kết hợp việc ban hành, giám sát thực hiện quy tắc ứng xử với sự nêu gương, yêu thương từ thầy cô. Theo ông, dù bước vào độ tuổi trưởng thành nhưng sinh viên vẫn là những người non nớt kinh nghiệm, kỹ năng sống. Việc họ vấp phải lỗi lầm, vi phạm nguyên tắc, nội dung cũng là điều có thể cảm thông.
“Thầy cô cần quan tâm tới các em, noi gương cho các em, đồng thời chỉ bảo, uốn nắn nếu các em sai phạm. Có được điều này thì các quy tắc, nội quy mới phát huy hiệu quả thực sự”, TS Đặng Văn Sáng nêu quan điểm.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, quy tắc ứng xử nhà trường yêu cầu sinh viên phải thường xuyên rèn luyện tu dưỡng đạo đức; tham gia đầy đủ các chương trình giáo dục của trường, đặc biệt là các nội dung về giáo dục chính trị tư tưởng và giáo dục pháp luật.
Sinh viên cũng cần giữ mối liên hệ, trao đổi thông tin thường xuyên với gia đình, thầy, cô giáo, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đơn vị chức năng trong nhà trường để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn khi gặp phải.