TS Nguyễn Hữu Long - giảng viên Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng, quy tắc ứng xử sinh viên cần đảm bảo những nguyên tắc để vừa xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục lành mạnh, vừa không tạo sự “gò bó, khắt khe”. Theo đó, các quy tắc ứng xử cần có sự đồng thuận giữa nhà trường và sinh viên. Trước khi ban hành, nhà trường nên lấy ý kiến và thảo luận với sinh viên. Điều này vừa giúp họ hiểu quy tắc, vừa cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe.
Các quy tắc ứng xử của nhà trường ban hành cũng cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nội quy phải vừa tạo ra nền nếp, kỷ cương, vừa đảm bảo sự thoải mái, không áp lực cho người học. Muốn làm được điều này, cần cân nhắc kỹ những quy định có thể gây ức chế với người thực hiện.
“Nội quy, quy định làm cho con người, môi trường sống tốt hơn nhưng cũng rất dễ gây ra những ức chế nếu người thực hiện cảm thấy cuộc sống của họ bị can thiệp, nặng hơn là bị xâm hại đến quyền cá nhân. Vì thế, phải cân nhắc, xem xét trước khi ban hành các quy định, quy chế”, TS Long nhấn mạnh.
Còn TS Trần Thị Rồi - giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, bộ quy tắc ứng xử, nội quy trường học của các trường đều bám sát quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Việc xây dựng quy tắc ứng xử sẽ giúp làm rõ những nguyên tắc cơ bản, định hướng hành vi, ứng xử của giảng viên, người học bằng những tiêu chuẩn đạo đức và các giá trị văn hóa.
Theo TS Rồi, gốc rễ của việc ứng xử văn minh, đúng mực trong mọi hoàn cảnh là bản thân người đó có đạo đức, nhận thức đúng đắn. Họ phải tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự suy thoái của con người, suy cho cùng cũng là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
“Do đó, muốn sinh viên có ứng xử đúng đắn, văn minh trong trường học, phải nâng cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống. Giáo dục đạo đức ở đây không phải là lý thuyết suông mà phải có những bài học thực tế, được lồng ghép trong từng môn học, tiết học”, TS Rồi nói.
Vừa qua, Ký túc xá Bách khoa (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) đã chấm dứt hợp đồng thuê chỗ ở năm học 2023 - 2024 đối với một sinh viên vi phạm nội quy. Cụ thể, sinh viên này đã xem phim đồi trụy, vi phạm quy định về xử lý kỷ luật. Ký túc xá yêu cầu sinh viên thực hiện bàn giao tài sản cho cán bộ quản lý trước ngày 31/12.