Về hệ thống câu hỏi, cần đảm bảo tính ngắn gọn, chính xác, khoa học, đi vào trọng tâm vấn đề cần kiểm tra và có hệ thống từ thấp đến cao, từ cơ bản đến nâng cao, có mở rộng, có liên hệ thực tiễn.
Đặc biệt, không nên rập khuôn khi đi theo một số mẫu đề có sẵn. Giáo viên cần linh động, mạnh dạn thay đổi câu hỏi tùy theo năng lực của những nhóm đối tượng học sinh, đặc thù của từng địa phương.
Ảnh minh họa/ITN. |
Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu: Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Chia sẻ kinh nghiệm khi sử dụng ngữ liệu ngoài SGK khi ra đề kiểm tra Ngữ văn tại Trường THPT Diệp Minh Châu, cô Thanh Huyền cho rằng, cần chọn ngữ liệu hay, đậm chất văn chương, đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng về thể loại cần kiểm tra. Ngữ liệu có nội dung, ý nghĩa mang tính giáo dục, tính thực tiễn cao, có thể vận dụng tốt vào đời sống và phát huy được khả năng nhận thức, liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo của học sinh.
“Thầy cô cần có sự chọn lọc rất khắc khe về tác phẩm trên cơ sở tham khảo nhiều nguồn và tích cực giao lưu, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời, chia sẻ những ngữ liệu hay, bài viết tốt, đề kiểm tra hay, có chất lượng thông qua một số dự án mang tính cộng đồng”, cô Thanh Huyền trao đổi.
Về nội dung này, cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Thanh Trì, Hà Nội khẳng định:Sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là yêu cầu tất yếu của việc đổi mới ra đề môn Ngữ văn nhằm đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và là thước đo năng lực phẩm chất học sinh.
Khi ra đề với ngữ liệu ngoài SGK, cô Nguyễn Thị Kim Thoa lưu ý: Ngữ liệu đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, uy tín; có dung lượng phù hợp để đảm bảo học sinh có đủ thời gian làm bài; có ý nghĩa giáo dục và giàu chất văn. Ngữ liệu có thể loại hoặc chủ đề tương ứng với thể loại, chủ đề của các văn bản trong sách giáo khoa mà học sinh đang được học.
Thầy Hoàng Văn Chường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phượng Lâu (Phú Thọ) thì cho rằng: Ngữ liệu trong đề kiểm tra Ngữ văn phải tương đương văn bản học sinh đã được học về: kiểu loại văn bản, thể loại, độ dài, độ khó, nội dung, đề tài...
Cùng với đó, ngữ liệu có nguồn chính thống, bảo đảm tính khoa học, giáo dục, thẩm mĩ, chính trị, văn hóa... Giáo viên không đặt ra yêu cầu quá cao mà cần bám sát yêu cầu đầu ra của chương trình. Đặc biệt, cần dần xóa bỏ tâm lý cũ, cho rằng học sinh không thể đọc, viết với các ngữ liệu mới; yêu cầu quá cao vì quen cho học sinh phát thanh lại cảm nhận, suy nghĩ của thầy cô.