Cùng với đó, kinh phí dành cho hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp còn eo hẹp. Nhiều học sinh đến lớp 12, chuẩn bị đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ - vẫn chưa biết chọn ngành nào, trường nào…
Tình trạng chọn nhầm nghề, ngồi nhầm trường diễn ra không phải là cá biệt, dẫn đến việc nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng, lãng phí thời gian, tiền bạc. Tâm lý của học sinh, phụ huynh sính bằng cấp còn khá phổ biến.
“Sau khi triển khai hiệu quả tại TPHCM, chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng đến các tỉnh thành khác trong cả nước, để có nhiều học sinh được thụ hưởng lợi ích từ chương trình”, ông Đỗ Đức Quế mong muốn.
“Chương trình “Chắp cánh ước mơ” do Báo GD&TĐ phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức cùng với sự đồng hành của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những sáng kiến hết sức ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với các chương trình, nhiệm vụ của ngành GD&ĐT về hỗ trợ hướng nghiệp, khởi nghiệp.
Tôi tin tưởng rằng, các em học sinh THPT của TPHCM sẽ nhận được nhiều thông tin bổ ích từ chương trình, từ đó có định hướng học tập, hướng nghiệp đúng đắn”, ông Đỗ Đức Quế nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Huy phát biểu tại buổi lễ ra mắt. |
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường được Chính phủ, các cấp ban ngành quan tâm sâu sắc trong nhiều năm trở lại đây.
Các hoạt động đó không chỉ được thể hiện cụ thể bằng các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mà còn ở việc thành lập và hình thành nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Trưởng Cơ quan Thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại TPHCM chia sẻ thông tin về chương trình với các cơ quan báo chí. |
Cũng theo ông Trần Ngọc Huy, dù công tác hướng nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên được quan tâm nhiều và “đậm nét” hơn trong nhiều năm trở lại đây, cũng như các hoạt động tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh., tuy nhiên, soi chiếu ở nhiều góc độ các hoạt động trên vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng,...
Các hoạt động tham vấn, hỗ trợ tâm lý học đường, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh dù đã có nhiều chuyển biến nhưng với nhiều lý do khách quan, hoạt động trên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh và xã hội.
Phóng viên đặt câu hỏi tại buổi lễ ra mắt. |
“Với hàng loạt chuyên đề mà Chương trình Chắp cánh ước mơ' xây dựng như: Ứng xử thông minh với mạng xã hội; Kỹ năng thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng; Nắm vững nguyên tắc cân bằng tâm lý để vượt qua áp lực… chúng tôi tin chương trình sẽ mang đến những điều học sinh, phụ huynh và nhà trường đang mong mỏi”, ông Trần Ngọc Huy mong muốn.