Sau hai năm thực hiện thí điểm chương trình trong bối cảnh đại dịch, chương trình đã được các chuyên gia, giảng viên, sinh viên tham gia đánh giá tích cực. Thông qua PAMS, sinh viên và giảng viên đã, đang và sẽ được đem đến các cơ hội học hỏi, tiếp thu tri thức từ các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trên thế giới và trong khu vực thông qua ứng dụng công nghệ tạo nên một thế giới mở, không rào cản, không khoảng cách địa lý. Ông cũng đã giới thiệu mô phỏng trường học ảo PAMS qua nền tảng Metaverse.
Tại buổi lễ, đại diện trường ĐH Ngoại thương (Việt Nam) và ĐH Woosong (Hàn Quốc) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên về việc triển khai chương trình đào tạo cử nhân song bằng chuyển tiếp 1+3, 2+2, 3+1 ngành Khoa học dữ liệu.
Trường ĐH Ngoại thương cũng đã phát động Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khoa học Dữ liệu dành cho sinh viên và học sinh THPT trên cả nước nhằm tạo ra một sân chơi trí tuệ, chuyên nghiệp cho những thí sinh có niềm đam mê trong lĩnh vực này để cải thiện cuộc sống và đưa ra các giải pháp kinh doanh sáng tạo trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.
PAMS là mô hình hợp tác đa quốc gia với mục đích là tận dụng thế mạnh của các trường thành viên cũng như mạng lưới kết nối nghề nghiệp để mang lại các chương trình đào tạo đón đầu nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động quốc tế. Tầm nhìn của PAMS là trở thành hạt nhân kết nối đại học thông minh trong khu vực Châu Á và Châu Á mở rộng.
Những thành tựu bước đầu đạt được trong giai đoạn thí điểm đã khẳng định hướng tiếp cận phù hợp trong việc định hướng và phát triển hệ sinh thái PAMS. Những gì hệ sinh thái PAMS đang được kiến tạo không chỉ dừng lại ở mối quan hệ đa phương của các trường sáng lập mà còn bắt đầu mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới các trường đại học khác trong châu Á và trên thế giới.