Rắc rối khi rút BHXH một lần

Mai Chi | 26/02/2023, 15:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có những quy định cứng nhắc trong việc rút BHXH một lần khiến không ít người lao động bị treo quyền lợi chính đáng

Giữa năm 2022, khi đang làm việc và tham gia BHXH được hơn 29 năm, ông N.V.K, công chức tại một cơ quan nhà nước (TP Thủ Đức, TP HCM) bị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thời điểm đó, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - con của ông K. - thay cha mình đi làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần để có chi phí chữa bệnh, song bị từ chối vì không đáp ứng đủ điều kiện.

Trên thông, dưới bít

Chị Thúy cho biết trước khi làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH cho cha, chị có tìm hiểu các quy định pháp luật. Theo đó, điểm c khoản 1 điều 60 Luật BHXH và điểm d khoản 1 điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP đều quy định người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế thì được hưởng BHXH một lần.

Thế nhưng, khi từ chối hồ sơ của cha chị, cơ quan BHXH đã viện dẫn khoản 1 điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT (ban hành ngày 29-12-2017) quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế. Theo quy định này, người đang mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng kể trên phải đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì mới được nhận BHXH một lần.

Do cha chị Thúy vẫn có thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày nên không đáp ứng đủ điều kiện hưởng. Chị Thúy cho rằng việc cơ quan chức năng từ chối giải quyết chế độ cho cha mình là cứng nhắc và chưa tuân thủ quy định pháp luật. Bởi căn cứ khoản 2 điều 156 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Nhưng các cơ quan thực thi đã không thực hiện đúng quy định này.

Rắc rối khi rút BHXH một lần - Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM

Cuối năm 2022, khi ông N.V.K qua đời do bệnh ung thư, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2017/TT-BYT. Theo đó, thông tư này chính thức bỏ điều kiện không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người chăm sóc hoàn toàn đối với trường hợp mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng khi hưởng BHXH một lần. Chị Thúy bức xúc: "Quy định chưa hợp lý thì sửa nhưng trong thời gian gần 5 năm chờ cơ quan chức năng sửa đổi, ngoài cha tôi còn nhiều người khác cũng lâm vào cảnh có tham gia BHXH nhưng không được thụ hưởng chế độ".

Những phát sinh từ thực tế

Cuối năm 2022, khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần tại BHXH tỉnh Trà Vinh, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, công nhân một doanh nghiệp (DN), bị cơ quan này từ chối. Lý do cơ quan BHXH tỉnh Trà Vinh đưa ra là quá trình tham gia BHXH của bà Hạnh có giai đoạn nợ BHXH tại Công ty TNHH XNK Mumuso - một DN bà Hạnh từng là công nhân. Công ty này hiện đã đóng cửa, còn chủ DN bỏ trốn. Khi thắc mắc về hướng giải quyết đối với trường hợp của mình, bà Hạnh được BHXH Việt Nam trả lời hiện chưa có hướng giải quyết hưởng trợ cấp BHXH một lần, phải chờ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngoài bà Hạnh, theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị DN chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi khiến quyền lợi bị ảnh hưởng. Trong hơn 2 triệu lao động bị nợ BHXH, chỉ có một số được giải quyết hưởng BHXH một lần, đó là những người làm việc tại các DN phá sản (theo Công văn 2802/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam). Tuy nhiên, chiếu theo công văn này, vẫn còn trường hợp bị "treo", đó là những người có thời gian tham gia BHXH nếu tính cả thời gian còn nợ tiền đóng BHXH mà đủ 20 năm trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Chiến (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết năm 2016, khi DN phá sản, ông tham gia BHXH được gần 21 năm (bao gồm hơn 2 năm nợ BHXH). Sau đó, ông làm việc tự do, không tiếp tục tham gia BHXH. Đến nay, dù đủ tuổi nhưng ông vẫn không thể hưởng chế độ hưu, cũng không thể hưởng BHXH một lần nên cuộc sống khá vất vả.

"Theo Công văn 2802/BHXH-CSXH, người đóng BHXH từ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian nợ) thì được giải quyết hưởng chế độ hưu. Các đối tượng đủ điều kiện hưởng BHXH một lần cũng được giải quyết căn cứ vào thời gian đã đóng (không bao gồm thời gian nợ tiền đóng BHXH). Chỉ riêng trường hợp của tôi là bị mắc kẹt với lý do để bảo đảm quyền lợi hưởng BHXH lâu dài cho người lao động. Nay công ty không còn để khắc phục nợ, tôi cũng không có khả năng đóng BHXH tiếp. Vậy cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi hưởng BHXH lâu dài cho người lao động như thế nào? Tôi chỉ mong sớm có hướng giải quyết để nhận được quyền lợi chính đáng của mình" - ông Chiến nói.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rắc rối khi rút BHXH một lần