Bất đồng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày càng sâu sắc sau vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát ở Tehran.
Vụ lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran hồi cuối tháng 7 dường như đã khoét sâu thêm rạn nứt giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu, vốn đã rất căng thẳng liên quan xung đột ở Dải Gaza nhiều tháng qua.
Cuộc điện đàm “nảy lửa"
Sau khi nhận thông tin lãnh đạo Hamas bị ám sát, ông Biden lập tức đã điện đàm với ông Netanyahu bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Trung Đông hiện nay, bao gồm nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự khắp khu vực. Theo hãng tin Axios, ông Biden khi đó thể hiện thái độ "cứng rắn" và kêu gọi ông Netanyahu chấm dứt mọi leo thang căng thẳng trong khu vực, lập tức chuyển hướng sang đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza và trao đổi con tin.
Tờ The Washington Post dẫn ba nguồn thân cận với Nhà Trắng (giấu tên) rằng Israel đã thông báo với Mỹ rằng nước này đứng sau vụ ám sát ông Haniyeh ngay sau khi vụ tấn công xảy ra. Theo đó, ông Biden và các trợ lý cấp cao của đương kim tổng thống vô cùng “ngạc nhiên và phẫn nộ” khi nhận được thông tin trên, đồng thời coi đây là một thất bại trong nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza.
Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GETTY IMAGES
Về mặt công khai, Israel cho đến nay không thừa nhận cáo buộc của Iran và Hamas rằng Tel Aviv đứng sau vụ ám sát.
Theo các quan chức Nhà Trắng giấu tên, trong cuộc điện đàm ông Biden nói với ông Netanyahu rằng Mỹ vẫn sẽ giúp Israel phòng vệ trước đòn trả đũa của Iran, nhưng đề nghị phía Israel không leo thang thêm nữa và ngay lập tức chuyển hướng sang đàm phán giải cứu con tin. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo ông Netanyahu “đừng trông chờ” Mỹ hỗ trợ nếu leo thang căng thẳng thêm lần nữa.
Về nguyên nhân ông Biden phẫn nộ, tổng thống Mỹ nghĩ rằng ông Netanyahu đã “giấu diếm" kế hoạch ám sát khi hai nhà lãnh đạo trước đó gặp nhau tại thủ đô Washington, D.C (Mỹ). Ông Biden cũng cho rằng vụ ám sát này đã “tạt gáo nước lạnh” vào nỗ lực tìm kiếm hoà bình cho Trung Đông mà Washington dày công nhiều tháng qua.
Tương tự phía Mỹ, Văn phòng Thủ tướng Israel cũng không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc điện đàm, song cho biết ông Netanyahu đã nói với ông Biden rằng Tel Aviv “đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng với tư cách là thủ tướng Israel, ông Netanyahu chỉ hành động theo nhu cầu an ninh của đất nước mình”.
Theo tờ The Times of Israel, vài ngày sau hôm điện đàm, ông Netanyahu tuyên bố rằng Israel đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra và sẽ đáp trả mạnh nếu bị tấn công. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi kịch bản - cả tấn công và phòng thủ. Nhà nước Israel đang trong một cuộc chiến trên nhiều mặt trận chống lại trục ma quỷ của Iran. Chúng ta đang dồn lực tấn công từng cánh tay của Tehran” - ông Netanyahu tuyên bố. Ông Netanyahu cảnh báo sẽ đáp trả, nhấn mạnh Iran sẽ trả giá đắt cho bất kỳ hành động tấn công nào và từ bất kỳ hướng nào nhằm vào Israel.
Biden-Netanyahu trái ngược lập trường về Iran, do đâu?
Theo tờ The New York Times, phía Mỹ đang rất quan tâm đến triển vọng đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và mong muốn đưa thỏa thuận này về đích càng sớm càng tốt. Nhiều tháng qua chính quyền ông Biden đã ra sức làm trung gian hoà giải, kêu gọi các bên nhượng bộ đàm phán. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá rằng vụ ám sát này xảy ra sai thời điểm, khiến nỗ lực vốn đã gần đạt kết quả của Mỹ gần như “đổ sông đổ bể”.
Theo các quan chức Mỹ, ông Biden đang hết sức thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin, đồng thời coi đó là một trong những di sản nổi bật của ông trong nhiệm kỳ lãnh đạo nước Mỹ.
Ngoài ra, các quan chức thạo tin cho biết ông Biden rất quan ngại nguy cơ xung đột sẽ lan rộng hơn trong khu vực.
Một tấm biển có hình lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh (trái), Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Tướng Qasem Soleimani (giữa), và chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fuad Shukr tại Lebanon. Ảnh: AFP
Trái lại, The Washington Post dẫn lời các quan chức Israel thạo tin cho biết rằng ông Netanyahu thừa nhận vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát sẽ gây gián đoạn tiến trình trong ít nhiều, vì ông Haniteh là nhà đàm phán chính trong các cuộc đàm phán ngừng bắn. Tuy nhiên, lãnh đạo Israel cũng lập luận rằng sự kiện này cuối cùng sẽ đẩy nhanh việc hoàn tất thỏa thuận khi làm gia tăng áp lực lên phe Hamas.
Theo ông Steven A. Cook - chuyên gia cấp cao về Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (tổ chức nghiên cứu ở Mỹ), Israel trên thực tế không thực sự muốn giảng hoà cùng Hamas. Israel trước giờ đều cho rằng cách tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia và hồi hương con tin là đánh bại Hamas trên chiến trường, trang Foreign Policy đưa tin.
Có tin Iran sắp tấn công Israel, Mỹ điều tàu ngầm tới Trung Đông Hãng tin Axios ngày 12-8 dẫn các nguồn thạo tin cho biết cộng đồng tình báo Israel dự báo phía Iran sẽ tung đòn trả đũa Israel trong vài ngày tới, khả năng cao sẽ trước ngày 15-8 (ngày dự kiến tổ chức cuộc đối thoại về ngừng bắn ở Dải Gaza và trao trả con tin). Tuy nhiên, một trong những nguồn tin cho biết tình hình hiện vẫn rất dễ thay đổi và khó đoán. Ở một diễn biến liên quan, ngày 11-8, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ra lệnh triển khai một tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, theo hãng tin Reuters. Lầu Năm Góc đưa ra thông báo sau cuộc điện đàm giữa ông Austin với người đồng cấp Israel Yoav Gallant. Theo đó, ông Austin yêu cầu nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln đẩy nhanh tiến độ triển khai tới Trung Đông. Bộ trưởng Austin tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thực hiện mọi bước có thể để bảo vệ Israel và lưu ý đến việc tăng cường năng lực và thế trận quân sự của Mỹ trên khắp Trung Đông trước bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang” - theo tuyên bố của Lầu Năm Góc. Gần đây, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Georgia của Mỹ đã có mặt tại Biển Địa Trung Hải. |