Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, các khóa học trao đổi sinh viên là cơ hội để sinh viên giao lưu, mở rộng không gian, môi trường học tập thay vì đóng khung trong một trường. “Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là sự chia sẻ trong đầu tư nguồn lực. Sinh viên, giảng viên giữa các trường có thể khai thác, sử dụng phòng thí nghiệm, thiết bị ở trường bạn. Mỗi trường đều có những môn học được xem là thế mạnh của mình. Với sự công nhận tín chỉ lẫn nhau, sinh viên được lựa chọn môn học và giảng viên của một trong ba trường để có kiến thức tốt nhất cho định hướng nghề nghiệp của mình”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải nhận định.
Mô hình đại học sẻ chia cũng là xu hướng của các đại học trên thế giới. Theo kế hoạch, 3 trường Bách khoa sẽ cùng xây dựng kho học liệu chung, bài giảng chung theo hướng chuyển đổi số. Như vậy, sinh viên sẽ có cơ hội học chung các thầy cô tốt nhất của 3 trường.
Mới đây, vào tháng 10/2022, 10 trường đại học khối kinh tế đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục. Các trường tham dự khối hợp tác này gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế và Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Sinh viên của 1 trong 10 trường đại học thuộc khối này có thể đăng ký học tập, thực tập, nghiên cứu tại trường bạn và được công nhận. Các trường đại học nhóm này sẽ tổ chức các khóa trao đổi sinh viên dưới hai hình thức: Các khóa dài hạn với thời gian học tập 1 học kỳ, người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ; các khóa ngắn hạn tương đương từ 3 đến 8 tuần, tối đa 12 tín chỉ. Ngoài thời gian lên lớp, người học có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên trường tiếp nhận. Chương trình này sẽ bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022 – 2023 tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại các trường.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng với dự án “Áo khoác an toàn”, đoạt giải Nhì Cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng EPICS 2021. |
TS.BS Nguyễn Quốc Đạt – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Vinh - cũng cho biết, nhà trường đã áp dụng việc công nhận tín chỉ đào tạo của sinh viên trường khác nhiều năm nay theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Từ năm 2021, quy chế đào tạo trình độ ĐH được ban hành thành Thông tư riêng đã hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn về các nội dung của việc công nhận.
Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế tại Trường ĐH Y khoa Vinh những năm qua thì số sinh viên đăng ký không nhiều. Trước hết do đặc thù nhà trường chỉ công nhận kết quả đào tạo tín chỉ của trường trong khối ngành sức khỏe. Trong khi đó, hầu hết sinh viên đăng ký học ngay tại trường mà mình trúng tuyển. “Trường hợp đăng ký là khi các em chuyển trường ví dụ từ ĐH Y khoa Huế về Y khoa Vinh… Khi đó, chúng tôi sẽ cân nhắc về điểm đầu vào thời điểm trúng tuyển đại học, bảng điểm các môn đã học (có xác nhận) và được hội đồng đào tạo của nhà trường đồng ý thì mới tiếp nhận”, TS.BS Nguyễn Quốc Đạt thông tin.
Tương tự, hiện nay, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng có một số lượng sinh viên học song hành hai chương trình đào tạo. PGS.TS Lê Văn Huy cho biết, ngoài một số sinh viên của nhà trường theo học 2 ngành thì có một số sinh viên đến từ các Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm và ĐH Bách khoa. Đây đều là những trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Với sinh viên học song hành hai chương trình, những môn học là kiến thức chung hoặc tương đương, khi học bằng 2, sinh viên không cần đăng ký học lại.
Tuy nhiên, việc tổ chức song hành hai chương trình chỉ có thể tiến hành khi công tác tổ chức đào tạo được thực hiện một cách khoa học, phần mềm quản lý tốt và quan trọng nhất là sự giao thoa giữa các ngành phải lớn. Việc đào tạo song hành hai chương trình của các trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế cũng chỉ mới “rộng cửa” đối với sinh viên các trường thuộc thành viên ĐH Đà Nẵng. Theo như giải thích của các trường, do nhà trường không thể kiểm soát được chương trình đào tạo, khó xác định được sự tương thích và còn tùy thuộc vào điểm trúng tuyển đầu vào của mỗi trường. Điều này sẽ dẫn đến trở ngại khi công nhận các học phần mà sinh viên đã tích lũy trước đó.
Ngay như chương trình trao đổi sinh viên giữa 10 trường đại học khối ngành đào tạo kinh tế thì vẫn có sự ràng buộc về số lượng người học, điều kiện đầu vào, bao gồm kết quả học tập, điều kiện ngoại ngữ. Những điều kiện này sẽ do trường tiếp nhận công bố ít nhất là một học kỳ trước khi năm học bắt đầu.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cho biết, để công nhận tín chỉ của nhau, các học phần sinh viên đăng ký học phải đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của trường gửi đi. Khó khăn lớn nhất trong trao đổi sinh viên là căn cứ tính học phí. Mỗi trường đại học đều có mức học phí tính trên các tín chỉ khác nhau. Nếu không có quy định thống nhất dễ xảy ra tình trạng sinh viên ở trường có học phí cao đổ xô sang học ở trường thu mức học phí thấp hơn. Vì vậy, các trường ký kết hợp tác công nhận tín chỉ của nhau đều thống nhất rằng, sinh viên sẽ đóng học phí theo mức học phí của trường cử đi và không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo.
TS Cao Danh Chính cho rằng, thời điểm này vẫn chưa có nhiều đơn vị tham gia do còn một số vướng mắc. Tuy nhiên, nếu tính “đường dài” thì quy chế có ý nghĩa mang tính định hướng và sẽ phát huy hiệu quả khi các trường cùng nâng cao năng lực đào tạo. Ví dụ, hiện 7 trường đại học khối kỹ thuật trong đó có Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh đang xây dựng chương trình, nội dung, chuẩn đào tạo chung để có thể cùng sử dụng. Khi đó, việc công nhận lẫn nhau sẽ thuận lợi và khắc phục được một số hạn chế như hiện nay.