Riềng và tác dụng chữa bệnh diệu kỳ

Phạm Hoa | 16/10/2023, 01:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Cây riềng là một trong những loại gia vị phổ biến. Ngoài ra theo đông y, cây riềng là một vị thuốc phổ biến để chữa nhiều loại bệnh lý liên quan đến da, khớp và hô hấp.

Công dụng của củ riềng

Cây riềng là loại cây nhỏ cao tầm từ 0,7 đến 1,2m với thân cây rễ dài mọc ngang. Hoa có mầu trắng đính kèm theo 2 lá hình mo, gồm màu xanh và màu trắng. Lá cây riềng có bẹ không cuống, hình mác dài.

Cây riềng mọc hoang hoặc được trồng phổ biến ở nước ta. Có thể thu hoạch riềng quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa thu và mùa đông hoặc trước khi mưa phùn của mùa xuân tới.

Ngoài loại riềng thường thấy ra còn có riềng nếp. Với sự khác biệt lớn nhất ở kích thước, riềng nếp to nhưng vị lại ít hăng cay hơn. Một loại khác chính là cây dong riềng hay còn gọi là cây riềng đỏ, thuộc họ chuối hoa, trung bình cao từ 1,2 đến 1,5m.

Rễ cây dong riềng phình ra thành củ chứa nhiều tinh bột. Vốn dĩ đó là thân cây nhưng do nằm sát mặt đất nên thường gọi là củ riềng đỏ. Cây dong riềng có vị ngọt, mát với tác dụng thanh nhiệt, an thần.

cu-rieng-tot-cho-suc-khoe.png
                                              Củ riềng vô cùng quan trọng với ẩm thực của người Việt.

Cây riềng còn gọi là cao lương khương, tiểu lương khương, phong khương. Cây riềng mọc hoang và được trồng để làm gia vị và làm thuốc, thu hoạch quanh năm nhưng tối nhất là vào mùa thu, mùa đông, đầu mùa xuân trước khi có mưa phùn để dễ phơi, sấy khô.

Thông thường, củ riềng được sử dụng làm gia vị món ăn giúp làm món ăn trở nên thơm ngon, hấp dẫn hơn. Một số món điển hình là thịt giả cầy, vịt rang riềng, cá kho riềng, chả thịt heo nướng riềng, cá tầm nướng riềng mẻ, bún bì trộn riềng, thịt nướng riềng mẻ, tóp mỡ kho riềng, nấm nướng riềng mẻ, nấm xào riềng tỏi…

Riềng có tác dụng ôn trung, tán hàn, hết đau, tiêu thực. Riềng được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền để làm thuốc kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, chữa đầy hơi, các chứng đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy.

Riềng có tác dụng chữa bệnh sốt rét do hàn hoặc sốt rét, sốt nóng, đau răng và các chứng trúng gió, làm ấm tỳ vị và đi lỵ lâu ngày, thổ tả, chuột rút.

Riềng còn hỗ trợ điều trị một số bệnh như hắc lào, lang ben, viêm họng, ho có đờm, phong thấp, đầy hơi, nôn mửa do ngộ độc thức ăn.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ riềng

Chữa đau dạ dày do hư hàn: Đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm. Dùng tâm hợp thang gồm: Cao lương khương, hương phụ mỗi vị 6-10g; bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g; ô dược 9-12g; đinh hương 6-9g; sa nhân 3-6g. Sắc uống.

Chữa đau dạ dày cấp: Đau đớn khó chịu, nôn oẹ, ăn uống kém. Dùng các vị sau: cao lương khương (chế với đại hoàng), thanh bì, trần bì, mộc hương, thạch xương bồ mỗi vị 6g; dinh hương 4g; sơn tra 15g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa đau dạ dày: Đau dữ dội, trằn trọc không yên, chân tay lạnh, môi tái, bụng trướng. Dùng thang gia vị thược dược cam thảo: Bạch thược sao 30g, cam thảo chích 10g, cao lương khương 10g, tô mộc 10g, bạch chỉ 15g. Tán bột, uống với nước lã đun sôi, hoặc sắc uống ngày một thang.

cu-rieng.png
                 Ngoài việc làm gia vị, riềng còn có thể chữa được nhiều bệnh lý khác nhau

Chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa: Cao lương khương 8g, đại táo 5g; Sắc với 300ml còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Chữa sốt rét kém ăn: Cao lương khương tẩm dầu vừng sao 40g, can khương nướng 40g, hai vị tán nhỏ dùng trư đảm hòa vào rồi viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 15-20 viên.

Chữa đau bụng, đau hai bên sườn, sôi bụng, tiết tả: Cao lương khương 12g, Hương phụ 12g. Tán bột, viên hoặc sắc uống sẽ hành khí giảm đau.

Lưu ý: Không nên dùng quá nhiều củ riềng. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ như đi tiểu nhiều, tiêu chảy, mất khẩu vị, dị ứng, giảm năng ượng, làm tăng lượng axit trong dạ dày, thậm chí có thể gây hôn mê, ảnh hưởng tới tính mạng.

Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, bệnh nhân mắc chứng trào ngược dạ dày, người bị dị ứng với một trong các thành phần của riềng tránh dùng.

Khi có vấn đề về sức khỏe, cần thăm khám và hỏi ý kiến thầy thuốc, bác sĩ trước khi điều trị với củ riềng./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Riềng và tác dụng chữa bệnh diệu kỳ