Sáng kiến Hỗ trợ sinh viên của Phòng Hỗ trợ bình đẳng giáo dục tại RMIT Việt Nam vừa được trao giải Accessibility in Action (tạm dịch: Hành động thúc đẩy hòa nhập) năm 2023 của ADCET - Trung tâm Thông tin khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Australia.
Chương trình Hỗ trợ sinh viên (Student Aid - SA) ra mắt vào năm 2017 tại cả hai cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ sinh viên gặp những khó khăn khác nhau trong học tập.
Chương trình tuyển dụng nhân viên là sinh viên hiện đang theo học tại trường để làm việc với nhiều vai trò khác nhau như người chép bài, người ghi chép trong các cuộc thi, người đọc, cũng như người hỗ trợ trong các buổi giảng, hướng dẫn, thực hành, kỳ thi và các chuyến đi thực tế.
Để đủ điều kiện nộp đơn ứng tuyển làm nhân viên hỗ trợ, sinh viên cần phải hoàn thành một phần ba chương trình học và duy trì điểm số trung bình ít nhất 3,0/4.
Khởi đầu từ dịch vụ hỗ trợ thêm với chỉ hai sinh viên, đến nay nhóm SA có 35 thành viên ở cả hai cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với dịch vụ hết sức đặc thù và đặc biệt này.
Mỗi học kỳ, phòng Hỗ trợ bình đẳng giáo dục hỗ trợ trung bình 120 sinh viên và 20% trong số đó yêu cầu được SA hỗ trợ. Từ năm 2019-2022, chương trình SA cung cấp tổng cộng 10.580 giờ dịch vụ. Và dịch vụ này vẫn được duy trì suốt đại dịch COVID-19 với nhiều thay đổi lớn, trong đó có cả việc chuyển sang học trực tuyến.
Hỗ trợ của SA được quyết định theo từng trường hợp cụ thể được cân nhắc cẩn thận dựa vào nhu cầu hỗ trợ khác biệt của từng sinh viên. Chẳng hạn như sinh viên gặp vấn đề về thị giác có thể hưởng lợi từ việc hỗ trợ chép bài và hỗ trợ tham gia các hoạt động vốn đòi hỏi việc sử dụng nhiều giác quan khác nhau trong phạm vi môn học.
Sinh viên gặp vấn đề về sức khỏe lâu dài có thể hưởng lợi từ dịch vụ SA trong thời gian nghỉ học do nhập viện. SA còn có thể hỗ trợ nhóm sinh viên “đa dạng thần kinh” với những trợ giúp đặc biệt trong việc chép bài, đọc bài và ghi chép trong các cuộc thi.
Từ năm 2022, nhân viên SA còn tích cực tham gia chuyển đổi một số tài liệu học sang định dạng số, góp phần vào nỗ lực thúc đẩy hòa nhập số tại RMIT Việt Nam.
Trưởng phòng Hỗ trợ bình đẳng giáo dục (ELS) tại RMIT Việt Nam, bà Carol Witney cho biết, RMIT là đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện có thể hỗ trợ nhu cầu của sinh viên “đa dạng thần kinh” hoặc khuyết tật, sinh viên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, sinh viên mắc bệnh mạn tính hay phải chăm sóc người bệnh khiến việc đi học bị ảnh hưởng, thông qua các điều chỉnh giáo dục phù hợp.
“Hỗ trợ của SA là một phần hết sức quan trọng trong các dịch vụ toàn diện mà sinh viên đăng ký với ELS nhận được nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và tham gia vào các hoạt động học tập”, bà Witney nói.
“Với sự hỗ trợ của chương trình SA bắt đầu từ giai đoạn dự bị đại học hay từ năm đầu tiên, sinh viên được hỗ trợ để chuyển tiếp suôn sẻ vào môi trường giáo dục đại học quốc tế và củng cố thêm tính bao hàm bên ngoài khuôn viên trường.
Do đó, chương trình này không chỉ giúp thay đổi sự kỳ thị trong xã hội Việt Nam đối với người khuyết tật, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tự lập của từng sinh viên với sự tự trọng và tôn trọng.
Đây còn là minh chứng cho Khung hướng dẫn mới về Bao hàm, Đa dạng, Công bằng và Khả năng tiếp cận (IDEA) năm 2023 của Đại học RMIT. Khung hướng dẫn dựa trên thiết kế phổ quát cho học tập, tôn trọng sự giao thoa và khác biệt cá nhân, đồng thời xây dựng năng lực cộng đồng.
Sinh viên làm cho SA sẽ có năng lực lãnh đạo và tốt nghiệp với các năng lực có trong IDEA. Một cộng đồng thông thuộc IDEA sẽ tạo ra môi trường an toàn và tôn trọng cho tất cả mọi người”, bà Witney bổ sung thêm.
Trung tâm Thông tin khuyết tật trong giáo dục và đào tạo (ADCET) được tài trợ bởi Bộ Giáo dục Australia, theo Chương trình Hỗ trợ người khuyết tật bậc đại học và được đặt tại Đại học Tasmania.
Giải thưởng Hành động thúc đẩy hòa nhập được tổ chức thường niên, đồng hành cùng Ngày nâng cao nhận thức về khả năng tiếp cận toàn cầu (GAAD). Đây là dịp để mọi người trao đổi, suy ngẫm và học hỏi về tiếp cận số và bao hàm, cũng như về hơn một tỉ người khuyết tật/khiếm khuyết trên toàn cầu.
Các đơn vị và cá nhân thắng giải được lựa chọn bởi một hội đồng giám khảo có chuyên môn về khả năng tiếp cận và hòa nhập trong học tập, thiết kế và hỗ trợ sinh viên.
“Mọi người đều thể hiện sự sáng tạo, tận tâm và tác động hết sức nổi trội qua sáng kiến của họ, và giải thưởng còn giúp các sáng kiến được chia sẻ rộng rãi trong toàn ngành”, bà Darlene McLennan, Giám đốc trung tâm ADCET cho biết.