Rộn ràng ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Khmer

Xuân Lương - Quốc Ngữ | 04/11/2022, 14:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều hoạt động nhân sự kiện Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Khmer lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V khu vực ĐBSCL.

Từ ngày 3/11, tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra nhiều hoạt động trong sự kiện Ngày hội Văn hóa - Thể Thao - Du lịch đồng bào khmer lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL năm 2022.

Tại Khu đô thị 5A, TP Sóc Trăng, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố gắn với ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2022”.

Tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng; Cục, Vụ - Bộ Công Thương; Lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến 19 tỉnh, thành phố; các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối lớn tại TPHCM và các tỉnh, cùng hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm Ocop, sản phẩm đặc trưng, đặc sản, chủ lực của tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh, thành phố.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, còn diễn ra Lễ ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết, duy trì và phát triển các sàn thương mại điện tử. Tại Hội nghị, đã ký kết 13 biên bản ghi nhớ hợp tác về liên kết, duy trì và phát triển các Sàn thương mại điện tử giữa Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có Sàn; 8 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng với 2 siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Rộn ràng ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Khmer ảnh 1

Liên hoan ẩm thực được đường phố, với chủ đề “Hương vị Sóc Trăng”.

Trước đó, “Liên hoan ẩm thực được đường phố, với chủ đề “Hương vị Sóc Trăng” lần III, năm 2022 cũng được khai mạc với quy mô hơn 32 gian hàng; trong đó có 8/12 (gian hàng) các tỉnh, thành tham gia chế biến trưng bày: Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh và 24 gian hàng của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các nghệ nhân trong tỉnh.

Có gần 100 món ăn đặc sản của các tỉnh, thành và 200 món ăn tiêu biểu, đặc sản của tỉnh Sóc Trăng được chọn lọc và mang đến tham gia liên hoan. Đặc biệt, có không gian trưng bày 100 món ăn thuộc dòng bánh dân gian.

Hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng, đồng thời trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực của các tỉnh, thành phố tham gia; góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của các địa phương; phục vụ thiết thực nhu cầu ẩm thực của nhân dân và du khách tham quan và trải nghiệm trong ngày diễn ra Ngày hội và Lễ hội.

Bên cạnh đó các hoạt động thi đấu thể thao cũng rất sôi nổi được khai mạc sáng 4/11.

Tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP Sóc Trăng, có hơn 550 vận động viên đến từ 12 tỉnh, thành: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, TP Cần Thơ và TPHCM, hội tụ về tranh tài ở các môn thi đấu gồm: bóng đá mini, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, bi sắt, việt dã, cờ ốc. Ngoài ra, còn có đông đảo người hâm mộ yêu thích các môn thể thao truyền thống này đến để cổ vũ.

Rộn ràng ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Khmer ảnh 2

Người dân tham gia các hoạt động ẩm thực.

Anh Thạch Chi ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, hàng năm tỉnh Sóc Trăng đều tổ chức giải cờ ốc cấp huyện và cấp tỉnh và anh đều tham gia. Năm nay anh được tuyển chọn về đây để tham gia giải lớn cấp quốc gia là dịp để anh cọ xát học tập kinh nghiệm từ các tỉnh khác trong khu vực.

“Được tham gia giải này tôi rất vui. Mình thi đấu không biết thắng hay thua, nhưng được vui chơi học hỏi các bạn khác, nhằm gìn giữ phong tục tập quán của đồng bào Khmer. Việc thắng thua không quan trọng, nhưng nếu thắng thì mình vui còn thua thì mình học hỏi cho giải sau”, anh Thạch Chi cho biết.

Riêng đối với giải đua ghe Ngo, mặc dù ngày 7 - 8/11 mới bắt đầu khai cuộc, nhưng trong những ngày qua, nhiều chùa đăng ký thi đấu tại giải năm nay đã đưa ghe ngo mình về sông Maspero tập dợt, thử tốc độ của ghe ngo, nhằm chuẩn bị tốt hơn khi bước vào giải. Chính hoạt động này, càng thu hút đông đảo bà con từ các địa phương, du khách tề tụ về khán đài đua ghe ngo làm cho không khí tại ngày hội thêm sôi nổi, hào hứng.

Ông Lý Dách, Trưởng Ban Quản trị chùa Bưng Tróp (Kom Pong Tróp), xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, đội ghe chùa Bưng Tróp đã hạ thủy và đến sông Maspero tập dợt nhiều ngày. Với ghe ngo vừa được sửa chữa kinh phí gần 100 triệu đồng, cùng vận động viên tham gia đông đảo, chùa rất hy vọng sẽ đạt thành tích cao trong mùa giải năm nay.

Đua ghe Ngo là hoạt động thể thao mang đậm tính đặc trưng của đồng bào Khmer. Theo Ban Tổ chức, Giải đua ghe Ngo trong khuôn khổ Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Khmer lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL năm 2022 này có 55 đội ghe ngo đăng ký tham gia thi đấu; trong đó, có 45 đội ghe ngo nam và 10 đội ghe ngo nữ. Giải sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 - 8/11.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rộn ràng ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Khmer