![]() |
Sinh viên ngành Nông học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong giờ học tại phòng thí nghiệm. |
Nhiều ngành nghề cần lao động
Nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp vài năm trở lại đây cũng đặc biệt thiếu hụt nhân lực do nguồn cung không đủ cầu. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, 3 năm trở lại đây nhóm ngành vẫn được thí sinh xem là “không sang” như nông học, thú y, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp đô thị của trường có điểm chuẩn trúng tuyển tăng dần qua từng năm.
“Điểm chuẩn tăng cho thấy sức hút nhóm ngành trên đã gia tăng lên đáng kể. Đó là chưa kể ngoài việc được các doanh nghiệp đến tận trường đặt hàng, sinh viên tốt nghiệp xong đều có vị trí việc làm tốt, đúng chuyên môn tại các công ty phân phối thức ăn gia súc, công ty thực phẩm hay ra ngoài làm riêng với mức thu nhập đáng mơ ước.
Thống kê của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường cho thấy, mức thu nhập bình quân/tháng của sinh viên sau tốt nghiệp nhóm ngành trên so với các ngành thời thượng như quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm hay công nghệ thông tin còn nhỉnh hơn. Điều đó cho thấy, việc sinh viên chọn học ngành không theo đuổi số đông cũng mang lại cơ hội việc làm lớn hơn”, TS Lý nhìn nhận.
TS Đỗ Văn Học, Trưởng khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) - cũng nhận thấy cơ hội việc làm với sinh viên nhóm ngành trên khá lớn bởi ngoài hệ thống đơn vị công thuộc Nhà nước thì số doanh nghiệp, đơn vị tư nhân cũng đặc biệt cần nhân lực khối văn phòng.
Nói về việc “ngược dòng” số đông trong chọn ngành, nghề và chọn hướng đi của mình, ông Nguyễn Đức Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần S Furniture, cựu sinh viên ngành Chế biến lâm sản – Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết chọn học ngành trái ngược xu hướng của phần lớn bạn bè trong lớp phổ thông đơn giản bởi cái gì khó, cái gì ít người học thì nhu cầu và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai tất yếu sẽ rất cần.
“Đất nước ta thế mạnh là nông – lâm - ngư nghiệp, hoạt động chế biến lâm sản thời đó và cho tới tận ngày nay là không thể thiếu và tách rời khỏi đời sống và nhu cầu của người dân. Thực tế đã chứng minh, xã hội càng phát triển, nhu cầu con người càng gia tăng thì các tiện ích và dịch vụ về trang thiết bị đồ dùng gia đình bằng gỗ ngày càng tăng. Hiện, nhu cầu nhân lực lĩnh vực chế biến lâm sản không chỉ công ty tôi vẫn cần mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất “khát”. Mức đãi ngộ cho nhân lực lành nghề có thể lên tới 12 - 15 triệu đồng/tháng mà vẫn luôn thiếu người”, ông Tú chia sẻ.
Đánh giá về xu hướng ngược dòng trong hướng nghiệp, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM - cho rằng, đó là hiệu ứng tích cực và minh chứng rõ cho sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh. “Cán cân nhân lực lệch mãi về một phía cũng sẽ không tốt. Bởi thực tế thành tựu của khoa học công nghệ có phát triển đến đâu thì con người vẫn giữ vai trò là nền tảng dẫn dắt. Và để nhân lực nhóm ngành khoa học cơ bản, nhóm ngành hẹp, đặc thù phát triển, thu hút thí sinh nhiều hơn thì nỗ lực từ các trường đại học là chưa đủ, mà cần có chính sách đồng bộ từ cấp Chính phủ (ngạch và hệ số lương cho những ngành đặc thù) đến các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng nguồn lực đào tạo từ nhóm ngành khó tuyển này”, TS Nghĩa phân tích.