Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho hay, sở cũng tính đến phương án tuyển dụng giáo viên dạy Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. “Chúng tôi đang chỉ đạo cơ sở giáo dục báo cáo nhu cầu số lượng giáo viên các bộ môn, bao gồm hai bộ môn tích hợp để có cơ sở đề xuất chỉ tiêu tuyển dụng cụ thể”, ông Hưng chia sẻ.
Theo thống kê, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ước tính tỉnh Hải Dương cần tuyển hàng trăm giáo viên dạy tích hợp. Tuy nhiên, sở GD&ĐT sẽ cân nhắc, tính toán để tham mưu với lãnh đạo tỉnh có kế hoạch tuyển dụng phù hợp, không làm ảnh hưởng lớn đến đội ngũ giáo viên hiện tại.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập nhằm tiếp tục bù đắp số chỉ tiêu biên chế được giao. Qua đó chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ sung số lượng còn thiếu, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Giáo dục.
Nếu theo quy chuẩn, tỉnh Bình Dương còn thiếu hơn 3.000 giáo viên. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, UBND tỉnh đã có kế hoạch tuyển dụng viên chức cho cơ sở giáo dục công lập. Riêng đơn vị trực thuộc sở cần tuyển khoảng 200 chỉ tiêu. Sở GD&ĐT Bình Dương đã thông báo tuyển dụng và đang tổng hợp hồ sơ của các ứng viên đăng ký dự tuyển. Các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cũng triển khai công tác tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục theo phân cấp quản lý.
“Chúng tôi chấp nhận cho người dự tuyển đã tốt nghiệp trình độ chuyên môn (có giấy chứng nhận tạm thời hợp lệ trong thời gian chờ cấp bằng tốt nghiệp) được đăng ký dự tuyển theo quy định”, ông Phong cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Dương, sở đã làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh để “đặt hàng” tuyển dụng giáo viên dạy Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trường này đang đào tạo khoảng 300 sinh viên chuyên ngành trên. Dự kiến năm 2024, số sinh viên này sẽ tốt nghiệp. “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận tất cả sinh viên này về Bình Dương để dạy học nếu các em có nhu cầu. Từ giờ đến tháng 8, nếu sinh viên nào kịp ra trường, chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng hoặc ký hợp đồng giảng dạy với các em”, ông Phong thông tin.
Ngoài ra, trên cơ sở kết quả sau tuyển dụng, Sở GD&ĐT Bình Dương tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chủ trương hợp đồng viên chức còn thiếu theo quy định; tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện các phương án về phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian chưa được tuyển dụng đủ số lượng.
Theo thống kê, năm học 2023 - 2024, tỉnh Bình Dương có gần 549.000 học sinh các cấp, tăng xấp xỉ 38.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023, trong đó khối công lập tăng hơn 23.200 học sinh và khối ngoài công lập tăng gần 14.000 em. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong năm học mới, tỉnh dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 19 công trình trường công lập.
Về vấn đề thiếu giáo viên, ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026 (năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương), Bộ GD&ĐT nhanh chóng triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Bộ cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế các môn học ở Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ luôn xác định ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Ngay từ khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Bộ tham mưu Chính phủ hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, nhằm thu hút học sinh vào học các ngành sư phạm, nhằm bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.