Mỗi năm vi rút hợp bào hô hấp khiến hơn 3 triệu ca nhập viện và gần 60.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới.
Ngoài gây ra số ca nhập viện và tử vong như nói trên, vi rút hợp bào hô hấp (RSV) còn là nguyên nhân dẫn đến hơn 80% các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ dưới 1 tuổi.
Thông tin trên được báo cáo tại hội nghị khoa học, do Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp AstraZeneca Việt Nam tổ chức ngày 27/4, về chủ đề "Hành trình 27 năm phòng ngừa RSV - Vai trò của kháng thể đơn dòng trong bảo vệ trẻ có nguy cơ cao khỏi RSV".
Hội nghị có sự tham dự của hơn 450 chuyên gia y tế (tham dự trực tiếp và trực tuyến), tập trung vào vấn đề về bệnh đường hô hấp dưới do RSV, đe dọa sức khỏe trẻ em trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo tại hội nghị, mỗi năm vi rút RSV gây ra hơn 3 triệu ca nhập viện và gần 60.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Đáng lưu ý, RSV còn là nguyên nhân dẫn đến hơn 80% các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Tại Việt Nam, số ca nhiễm RSV ở nhóm trẻ sinh non có tỷ lệ nhập viện cao hơn nhiều lần so với trẻ sinh đủ tháng; trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh rối loạn huyết động có nguy cơ nhập viện do RSV cao gấp 2,7 - 5 lần. Trẻ mắc loạn sản phế quản phổi còn chịu nguy cơ cao gấp 12,8 - 20 lần. Việc này, không chỉ cảnh báo mức độ nghiêm trọng của RSV mà còn làm áp lực lên hệ thống y tế.
Tại hội nghị, các chuyên gia tập trung thảo luận về những giải pháp điều trị mới đối với bệnh này, nhằm giảm tử vong trên trẻ em. Cụ thể là phương pháp dự phòng miễn dịch bằng kháng thể đơn dòng sẽ giúp ngăn chặn quá trình hòa màng và ức chế sự sao chép RSV, từ đó giảm sự nhân lên của vi rút, ngăn chặn sự lây lan RSV trên các bệnh nhi.
Theo các chuyên gia, giải pháp mới này nhằm bảo vệ chủ động, giúp ngăn ngừa bệnh hô hấp nghiêm trọng do RSV gây ra ở nhóm trẻ có nguy cơ cao bao gồm trẻ sinh non, trẻ mắc bệnh loạn sản phế quản phổi và trẻ bệnh tim bẩm sinh. Trong 27 năm qua, giải pháp này đã được ứng dụng tại hơn 100 quốc gia, giúp giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và các biến chứng nguy hiểm do RSV gây ra.
Tại hội nghị, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nhận định, sự ra đời của phương pháp dự phòng RSV bằng kháng thể đơn dòng tái tổ hợp là một bước tiến trong y học nhi khoa. Được kiểm chứng lâm sàng trên thế giới trong gần 30 năm qua, giải pháp này không chỉ mang lại hiệu quả bảo vệ cho trẻ em có nguy cơ cao mà còn mở ra hướng đi mới trong việc chủ động phòng ngừa các bệnh hô hấp nguy hiểm ở trẻ nhỏ, giảm gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế.
Việc chủ động triển khai liệu pháp mới này kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát hiệu quả hơn đối với RSV, giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong và biến chứng nặng ở trẻ nhỏ.