Đọc văn Đoàn Giỏi, ta như được đặt chân đến miền Tây Nam Bộ. Tâm hồn ông ẩn dưới từng dòng chữ để lan tỏa và tái hiện đời sống sống động như một buổi chợ nổi đầy tiếng rao, đầy màu sắc và ấm nồng nước phù sa...".
Không chỉ thế hệ gen X, Y mà cả học sinh gen Z, Alpha đến từ các trường trung học cơ sở Hà Nội tham dự chương trình đọc sách tương tác “Vẻ đẹp đất rừng phương Nam” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi do NXB Kim Đồng tổ chức, đều hào hứng chia sẻ về những rung động trước trang văn được cây bút tài hoa này viết cách đây hơn nửa thế kỷ.
“Đọc văn Đoàn Giỏi, ta như được đặt chân đến miền Tây Nam Bộ. Tâm hồn ông ẩn dưới từng dòng chữ để lan tỏa và tái hiện đời sống sống động như một buổi chợ nổi đầy tiếng rao, đầy màu sắc và ấm nồng nước phù sa; những đêm câu cá không chỉ có ánh đèn dầu chao nghiêng, tiếng khua nước mà cả những ngọn đuốc rung rinh…”.
Đó là những cảm nhận được nhóm nữ sinh Hà Vi, Bảo Hà và Hà Mi (lớp 8A2, Trường THCS Ngô Sĩ Liên) chia sẻ khi đọc cuốn “Những chuyện lạ về cá” của Đoàn Giỏi. Lý giải về cách nhà văn dẫn dụ, cuốn hút bước chân độc giả bước vào vùng sông nước phương Nam, các em cho rằng, ông đã sử dụng ngôn ngữ phong phú, sinh động; dù là hình ảnh hư cấu nhưng trong các chi tiết ấy vẫn miêu tả theo cách vừa chân thực vừa kỳ lạ. Nhất là ông có những quan sát tưởng đơn giản (cá sấu, bạch tuộc…) nhưng lại mang cả kho bí mật về cách sống, cách sinh tồn của từng loài cá. Và những quan sát đó được kể bằng giọng văn đầy tò mò, yêu thương.
Thế nên, đọc trang văn của Đoàn Giỏi có cảm giác như đang bơi giữa dòng sông tuổi thơ, gặp những con cá trong truyện nhảy lên từ ký ức, từ một câu chuyện của người đã từng sống, từng yêu, từng giữ lấy thiên nhiên ấy bằng tất cả lòng chân thành. Cách tái hiện hình ảnh cũng vừa gần gũi mà lạ lùng, có khi gần như huyền thoại. Đó là sự kết hợp giữa hiện thực và kỳ ảo như chính vùng đất Nam Bộ mà nhà văn yêu nhớ và gắn bó cả đời.
Giống như những trang khảo cứu về loài cá nhưng ông không viết theo kiểu khô khan mà dùng lời kể như kể chuyện cổ mang giọng mênh mang như một người đang lênh đênh sông nước. Vì vậy, giữa vùng sông nước kỳ ảo ấy, những chuyện lạ về cá hiện lên thật độc đáo, ấn tượng trong những tiếng cười khúc khích.
Cùng với đó, “Những chuyện lạ về cá” còn là sự trở về với thiên nhiên, ký ức; với sự kỳ diệu mà ta hay bỏ qua. Trang văn nhắc ta hãy sống chậm lại, quan sát những điều đẹp đẽ xung quanh, trân trọng những điều đó để mỗi ngày thêm tươi đẹp và ý nghĩa.
“Cùng với các tác phẩm khác, “Những chuyện lạ về cá” không đơn thuần là những trang sách ố vàng mà là những hồi chuông đánh thức tình yêu của những trái tim trước vẻ đẹp thiên nhiên. Ở đó có sự kỳ diệu của thiên nhiên, sự dịu dàng của tác giả và thông điệp gửi đến cộng đồng: Thế giới đang dần bỏ quên, lãng quên những điều kỳ diệu và những cuốn sách đang giúp chúng ta giữ lại nó”, Hà Vy nhấn mạnh.
Nhóm học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy) thì chia sẻ góc nhìn của mình về cuốn “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”. Theo Lê Quỳnh Chi, đây là quyển sách giàu cảm xúc, thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng, để lại cho thế hệ trẻ niềm tự hào, trân trọng quá khứ và tình yêu văn học nước nhà.
Bối cảnh tác phẩm là nhà tù Côn Đảo. Cuộc sống của người tù được khắc họa chân thực, đầy bi thương nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó sức mạnh tinh thần và tình đồng chí của người cộng sản tỏa sáng. Họ đoàn kết, chia sẻ khó khăn, động viên nhau vượt qua gian khổ, tiếp tục đấu tranh âm thầm trong nhà tù một cách quyết liệt, thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ với chế độ cai trị của Pháp. Họ tìm cách dạy chữ, truyền bá tư tưởng cách mạng, tổ chức văn hóa văn nghệ để duy trì tinh thần và ý chí chiến đấu. Đặc biệt, nổi bật trong tác phẩm là hình ảnh người chiến sĩ cách mạng kiên cường Hai Thắng (được xây dựng từ nguyên mẫu Chủ tịch Tôn Đức Thắng) có nhân cách lớn lao, mang sức cảm hóa, khơi dậy và bồi đắp tình yêu nước, ý chí cách mạng trong những người tù.
Nguyễn Lê Huy thì đánh giá, nhà văn đã miêu tả hiện thực chân thực, tái hiện chân dung lịch sử, khắc họa giai đoạn lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc. Cùng với đó, tác phẩm phản ánh đời sống tinh thần phong phú, đi sâu vào đời sống tinh thần của của những người tù dù phải chịu đòn tra tấn dã man, cuộc sống thiếu thốn, ngột ngạt nhưng vẫn giữ vững tinh thần đoàn kết, tương trợ ý chí đấu tranh và niềm tin vào tương lai. Mỗi nhân vật mang một nét đẹp riêng và có những cách thể hiện khác nhau của lòng yêu nước cũng như tinh thần cách mạng trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
“Ngôn ngữ giản dị, giàu cảm xúc thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với người tù và sự căm phẫn với chế độ áp bức. Đây là tác phẩm có giá trị sâu sắc về lịch sử và văn hóa, góp phần làm nổi bật tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của dân tộc”, Lê Huy nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhóm học sinh còn tái hiện cảnh bác Hai Thắng nói chuyện và cảm hóa tên cai ngục. Những học sinh song ngữ Pháp - Việt này đã thể hiện khá ấn tượng cuộc hội thoại qua đó truyền đi thông điệp mà tác phẩm gửi gắm.
Sao quên được “Đất rừng phương Nam”
Nhóm học sinh các trường Vinschool, Olympia thì chia sẻ cảm xúc khi đọc “Đất rừng phương Nam”. Bằng song ngữ Anh - Việt, học sinh Vinschool ấn tượng trước hình ảnh con người Nam Bộ hiện lên vô cùng thật thà, nghĩa tình và dũng cảm. Trong đó có An - cậu bé đã học cách vượt qua nỗi sợ hãi biết yêu thương, biết hy sinh. Từ đó cho người đọc hôm nay “thấy yêu hơn mảnh đất mình đang sống và đất nước Việt Nam xinh đẹp này”, Ngô Trần Bảo Anh (lớp 8A4) nhấn mạnh.
Nhóm học sinh Olympia school thì đem đến sự kiện những bức tranh do các em vẽ về “Đất rừng phương Nam”, “Cá bống mú”, “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”, “Tê giác trong ngàn xanh”…
Riêng với tác phẩm “Đất rừng phương Nam”, nhóm còn chia sẻ sáng tác thơ dựa trên hành trình của An, trong đó có những câu đong đầy cảm xúc: “Sau cùng con nhận ra: Bàn tay phương Nam đã trồng con khôn lớn/ Suối mát đồng vui tưới tắm cho ước mong...”. Ngoài ra, Trần Ngọc Minh Châu còn trình bày cảm nhận về “Đất rừng phương Nam”, một tác phẩm giàu cảm xúc, mang đậm chất Nam Bộ và có tính nhân văn sâu sắc. Hình ảnh thiên nhiên hiện lên vô cùng sống động và đẹp đẽ: Cánh rừng ngập mặn, con sông lớn, bầy thú hoang dã… Bức tranh thiên nhiên rất hùng vĩ nhưng cũng rất gần gũi. Nổi bật lên đó là những con người đất phương Nam hào sảng, nghĩa khí được khắc họa bằng giọng văn mang đậm màu sắc Nam Bộ, mộc mạc, chân thật nhưng cũng đầy chất trữ tình. Nhất là, cậu bé An nhỏ tuổi nhưng vô cùng dũng cảm, kiên cường là ví dụ cho tinh thần vượt lên nghịch cảnh, một phẩm chất mà thế hệ trẻ hôm nay vô cùng ngưỡng mộ.
“Qua từng câu chữ, em cảm nhận được tình yêu của tác giả với mảnh đất, nơi mà ông sinh sống. Các câu chuyện được truyền tải nhẹ nhàng nhưng mang bài học sâu sắc về tình người, lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước. Đây là cuốn sách xứng đáng để chúng ta đọc vì không chỉ là tác phẩm văn học mà còn là bài ca về tình người, lòng yêu nước và vẻ đẹp văn hóa Nam Bộ”, Minh Châu nhấn mạnh.
Hào hứng tham gia các hoạt động của sự kiện và là một trong các độc giả xuất sắc được tặng sách của Đoàn Giỏi, Hoàng Minh Quân (lớp 7A11, Trường THCS Ngô Sĩ Liên) cho biết, từ lớp 3 đã đọc cuốn “Đất rừng phương Nam”. Khi ấy, Quân ấn tượng nhất chi tiết bố nuôi của An chuẩn bị vũ khí đi kháng chiến. “Em đã đọc cuốn sách 5 - 6 lần, càng đọc càng ấn tượng với rừng đất Cà Mau. Từ những trang văn này, em thấy yêu thích văn học hơn. Hôm nay, nhờ tham gia sự kiện và trả lời câu hỏi đúng để được nhận món quà, em mới biết ngoài “Đất rừng phương Nam” nhà văn Đoàn Giỏi còn có nhiều tác phẩm khác. Em sẽ học tập tốt để tiếp tục được nhận quà là những tác phẩm đó từ bố mẹ”, Minh Quân nói.
Chứng kiến các nhóm học sinh tham gia trả lời câu hỏi và chia sẻ cảm xúc về những trang văn Đoàn Giỏi, chị Lê Thị Thùy Dương, Chủ nhiệm dự án “Sách nhà mình” bày tỏ rằng rất bất ngờ. Cũng bởi, sự kiện được triển khai trong thời gian ngắn nhưng các em đã nắm được không chỉ cốt truyện mà cả những chi tiết rất cụ thể và đưa ra được những thông điệp sâu sắc trong mỗi tác phẩm. Điều này cũng cho thấy, nếu trang văn Đoàn Giỏi không đủ sức hấp dẫn độc giả hôm nay thì thật khó có được kết quả ấy.
“Trong tác phẩm của Đoàn Giỏi có nhiều hình ảnh lặp đi lặp lại, cùng con cá bống, cá sấu đấy nhưng ở mỗi câu chuyện lại là một bức tranh khác, ở góc độ khác. Cùng với đó, tính họa trong văn Đoàn Giỏi rất rõ, ngôn từ cũng rất đẹp. Chắc chắn rằng, ông phải là người yêu đến tận cùng thì mới có được cái vốn để viết sâu, rộng đến như thế. Và điều quan trọng hơn là từ những kiến thức về thiên nhiên, đời sống, trang văn của ông mở ra rất nhiều điều để độc giả cảm nhận rồi quay trở lại với cuộc sống. Vòng tuần hoàn đó khiến cho việc đọc trở nên sâu sắc hơn, như nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét: Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá phương ngữ Nam Bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình, khiến độc giả rung động”, chị Thủy Dương nhấn mạnh.
Nhà văn Lữ Mai cũng bày tỏ sự mừng vui khi được nghe những cô cậu học trò bình phẩm về “Đất rừng phương Nam”, “Những chuyện lạ về cá”, “Cá bống mú”, “Hoa hướng dương”… Nhân đây, chị nhấn mạnh thêm rằng, trang văn Đoàn Giỏi có một bản sắc đặc biệt về ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ Nam Bộ nhưng không gây khó cho vùng miền khác nếu chịu khó tìm hiểu. Chẳng hạn như cuốn “Truy tầm kho vũ khí”, một số phiên bản khác lại là “truy tìm”, song theo chị, “truy tầm” có nghĩa sâu hơn và tính phương ngữ ở đó.
Hay trong “Cá bống mú” thì có “tiếng chày giã bàng” nghe rất lạ. Khi tìm hiểu thì được biết thêm đó chính là tiếng người dân giã cỏ bàng (loại cỏ ở phương Nam, thu hoạch về phơi khô rồi giã ra để lấy sợi làm chiếu, các đồ thủ công mỹ nghệ). Tiếng chày này rất êm dịu, nhẹ nhàng.
“Một từ đó thôi khiến ta phải tìm hiểu để thêm yêu đất nước mình. Và tôi rất yêu cái đặc sắc về ngôn từ của Đoàn Giỏi, không phải chỉ thấy hay mà quan trọng nhất là thấy rung động. Chỉ có những người yêu đất, yêu rừng trong máu thịt của mình thì mới viết được như thế”, chị khẳng định.
Họa sĩ Tất Sỹ, người vẽ tranh bìa cho cuốn “Đất rừng phương Nam” trong 2 lần tái bản trong đó có dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi thì thấy rằng câu văn trong các tác phẩm đều có tính tượng hình rất cao.
“Ông từng học ở Trường Mỹ thuật Gia Định nên hầu như trong câu văn đều thấy tranh. Điều đó càng khiến tôi muốn được vẽ thật nhiều. Ở lần vẽ thứ 2 cho “Đất rừng phương Nam”, tôi đã phác thảo khoảng 40 tranh song vì sự giới hạn về khuôn khổ tác phẩm nên không thể vẽ hết”, anh Sỹ chia sẻ.
Nhà văn Lữ Mai bày tỏ niềm cảm phục trước nhà văn Đoàn Giỏi – một người cứ vừa yêu vừa sống nên đến con cá bống ông cũng viết được bao nhiêu chuyện; từ một loài cỏ, cây thôi mà ông cũng yêu đến tận cùng.
“Sự yêu này rất khó, đôi khi ta hời hợt, ta đi qua một vẻ đẹp rồi bị cuốn theo nhịp sống, ta không dừng lại quá lâu hay dừng lại rồi nhưng không nghĩ lâu. Đoàn Giỏi dạy cho chúng ta dừng lại sâu hơn một chút, nghĩ sâu hơn và nếu câu chuyện đó qua rồi thì vẫn có thể quay lại một lúc nào đó để tiếp tục nghĩ thêm nhiều lần nữa”, chị nhấn mạnh.