Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nước có chính sách an sinh tốt trên thế giới không cho rút bảo hiểm một lần, thậm chí còn không phải quy định điều đó vì họ không có nhu cầu. Tuy nhiên, nước ta thì khác, vì khó khăn nên họ mới phải rút để trả nợ, trang trải cuộc sống… Vì thế, có ý kiến cho rằng "không nên cấm đoán" nhưng phải thiết kế chính sách để lưu người đóng vào hệ thống, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên phân biệt việc cho phép rút bảo hiểm một lần trước hay sau khi luật này có hiệu lực, bởi nếu luật mới không cho phép sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của người lao động, khiến tình trạng rút bảo hiểm một lần tăng thêm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết kế chính sách sao cho người lao động có lựa chọn tốt nhất khi tham gia BHXH. Ví dụ, nhiều cách thức như người lao động có thời gian đóng mà chưa hưởng lương hưu thì vẫn được trợ cấp hoặc có thể tích hợp bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả hoặc phương án rút một phần, lưu lại một phần rồi sau vẫn có thể quay lại đóng tiếp.
Từ Hội nghị Trung ương 7, có 2 nghị quyết chưa ban hành được là các nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và nghị quyết cải cách chính sách BHXH. Lộ trình cải cách tiền lương dự kiến làm từ 2021 nhưng bị tác động của COVID-19 nên trình Trung ương cho phép lùi lại. Giờ Chính phủ bàn, quyết định tiến hành vào 1-7-2024.
Theo Chủ tịch Quốc hội, do độ trễ của cải cách tiền lương, nếu dự án này thảo luận, kỳ sau thông qua, có thể áp dụng gần như song trùng cải cách bảo hiểm với cải cách tiền lương thì "rất đẹp".
Chủ tịch Quốc hội khẳng định cải cách lần này là bước thay đổi căn bản về chính sách BHXH theo hướng hình thành chiến lược đa tầng, một là tiền lương hưu trí; hai là BHXH bắt buộc; tầng 3 là BHXH tự nguyện kết hợp với bảo hiểm thương mại. Qua đó hình thành hệ thống bảo hiểm đa tầng tiến tới bao phủ BHXH toàn dân.