Không chỉ là công việc của giáo viên
Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), khẳng định, việc giáo viên chủ động tìm hiểu về SGK mới rất cần thiết. Điều này giúp thầy chủ động tìm hiểu nội dung, kiến thức, nét mới trong SGK; qua đó hỗ trợ giáo viên nắm chắc, hiểu sâu về SGK mới và có các phương án lên lớp phù hợp, hiệu quả hơn. Nhà trường đã sớm phân công giáo viên có trình độ, năng lực, đảm nhiệm các bộ môn lớp 7 trong năm học 2022 - 2023; tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận, làm quen SGK lớp 7 mới qua các chương trình tập huấn, giới thiệu sách của các tác giả, nhà xuất bản; qua các bản sách mềm đã được chia sẻ…
Lãnh đạo Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cũng đã yêu cầu giáo viên nghiên cứu quy trình lựa chọn SGK theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn của sở GD&ĐT năm học trước đối với lớp 6, nghiên cứu Quyết định 92 của UBND thành phố Cần Thơ về tiêu chí lựa chọn SGK. Lãnh đạo trường đồng thời hướng dẫn quy trình lựa chọn SGK và dự thảo biểu mẫu. “Nhà trường sẽ ban hành văn bản chính thức ngay khi có hướng dẫn của sở GD&ĐT”, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, cho hay.
Việc chủ động tiếp cận, nghiên cứu bản mẫu SGK mới không phải là tự phát từ giáo viên mà đều được lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo. Theo thầy Trần Văn Hân, Trường THPT Mỹ Quý đã triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là chương trình, SGK. Trường yêu cầu tất cả giáo viên nghiên cứu chương trình và tiếp cận, tìm hiểu các SGK trong danh mục được phê duyệt; thông báo danh sách cho 26 giáo viên dự kiến được phân công giảng dạy lớp 10 năm học 2022 - 2023 để tăng tính chủ động nghiên cứu của thầy cô.