Sách giáo khoa lớp 3 bộ Cánh Diều gắn việc học với thực tế hằng ngày

PV | 01/07/2022, 08:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mỗi bài học trong sách giáo khoa lớp 3, bộ Cánh Diều được tổ chức thành một chuỗi các hoạt động học tập, sắp xếp theo tiến trình phù hợp với học sinh.

Mỗi bài học trong sách giáo khoa lớp 3, bộ Cánh Diều được tổ chức thành một chuỗi các hoạt động học tập, sắp xếp theo tiến trình hướng đến việc khám phá, phát hiện, thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng trọng tâm của bài học và phù hợp với học sinh.

Trước thềm năm học mới 2022 - 2023, vừa qua, Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm tổ chức tập huấn trực tiếp cho khoảng 800 cán bộ quản lý, giáo viên lớp 3 của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh về sử dụng sách giáo khoa lớp 3, bộ Cánh Diều.

canh-dieu-1.png
Sách giáo khoa lớp 3 bộ Cánh Diều

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đồng Nai có 104 trường sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 3 Cánh Diều cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Việc hướng dẫn sử dụng bộ sách này giúp giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng soạn giáo án và hướng dẫn học sinh học tập, vận dụng tốt hơn.

Tại buổi tập huấn Tổng chủ biên, chủ biên, tác giả biên soạn SGK lớp 3 đã giới thiệu về triết lý, cấu trúc của từng đầu sách, đồng thời hướng dẫn cán bộ, giáo viên thực hành chương trình dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Theo tác giả việc dạy và học theo bộ sách mới là làm sao để việc học gắn với thực tế hằng ngày. Ví dụ học môn Toán không đơn thuần chỉ là các phép tính, mà các em còn được tiếp xúc với các thông tin hiểu biết về khoa học kĩ thuật, lịch sử, địa lý. Qua đó giúp các em yêu cuộc sống xung quanh, kích thích sự tìm hiểu của trẻ.

Từng bài học trong sách giáo khoa lớp 3 bộ Cánh Diều được thiết kế nhiều dạng câu hỏi, bài tập hoặc hoạt động có tác dụng kích thích hứng thú và phát triển năng lực học tập của học sinh. Cuối mỗi bài học, thông qua một tình huống gần gũi với thực tế đời sống, học sinh làm quen với việc vận dụng tổng hợp kiến thức đã học để giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, học sinh còn được tạo cơ hội tham gia trả lời các câu hỏi và ứng đáp các tình huống thách thức hơn nhằm phát triển tư duy, khả năng sáng tạo.

Bộ sách mới yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, thay vì truyền đạt một chiều thì cần lấy học sinh làm trung tâm, phát triển năng lực của học sinh, mục đích là nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Buổi tập huấn giúp giáo viên tiếp cận toàn bộ chương trình, nắm được các phương pháp, kĩ thuật dạy học và biết cách khai thác với chủ đề thực tế trong giảng dạy.

Các chủ biên các môn của bộ sách “Cánh diều” cho biết, muốn sử dụng SGK tốtnhất, trước hết cần nắm chắc lý thuyết để từ đó nắm được bản chất vấn đề cần truyền tải. Từ nền tảng này, giáo viên sẽ được thực hành nhuần nhuyễn quy trình dạy học qua đó sẽ tiến hành dạy thử để rút ra kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.

Bài liên quan
Những điểm đặc sắc của sách giáo khoa Ngữ văn 10 bộ Cánh Diều
Nội dung các bài học được thiết kế phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực, theo phương châm “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”; không sa vào lí thuyết mà chú trọng yêu cầu vận dụng, thực hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách giáo khoa lớp 3 bộ Cánh Diều gắn việc học với thực tế hằng ngày