Thị trường phân hóa sâu sắc
Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng đứng ngoài quan sát khiến thanh khoản giảm mạnh, đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HoSE có 188 mã tăng, 272 mã giảm và 59 mã đứng giá.
Phiên này, VPB là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên chỉ số chính khi đem về cho Vn-Index 0,85 điểm. Ở chiều ngược lại, VCB lấy đi của VN Index 0,59 điểm.
Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho biết P/E VN-Index hiện đang ở mức 13,14 thấp so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan (17,76), Philipine (14,51) cũng như các thị trường phát triển như Mỹ (22,23) và Anh (13,88).
Định giá hiện tại của VN-Index đang ở mức thấp trong khu vực cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với dòng vốn ngoại trong nửa cuối năm 2023.
Công ty chứng khoán VFS dự báo vẫn còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán trong năm nay
Với kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2023, nhóm phân tích VFS ước tính tăng trưởng LNST cả năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết không quá khả quan do dự báo kinh tế vẫn còn khó khăn trong nửa cuối năm. Trong đó, khoảng 50% số ngành tăng trưởng âm và chỉ hơn 30% số ngành có mức tăng trưởng trên 2 chữ số năm 2023 nhưng chủ yếu là nhờ mức nền thấp trong năm 2022. Cụ thể, ngành truyền thông cùng với ngành du lịch và giải trí sẽ có mức tăng trưởng vượt trội so với nhóm còn lại.
Dựa vào những phân tích trên, VFS dự báo tăng trưởng LNST của các doanh nghiệp trên sàn ước đạt 6% so với cùng kỳ, và chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 950 – 1.250 điểm cho nửa cuối năm.