Cách làm cũng rất đơn giản là chọn lựa đế trùng thảo đạt chất lượng và thẩm mỹ, nghiền nhỏ và phối trộn với thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Hiện nay, đế trùng thảo đã được phối trộn ứng dụng làm thức ăn cho gà Lương Phượng và tôm sú.
ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi cho biết, bên cạnh việc tận dụng sản xuất thức ăn cho chăn nuôi, đế nấm trùng thảo tươi không đạt yêu cầu sản xuất thực phẩm sẽ được ủ với vôi sống để tạo thành phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
Sản phẩm vừa tiết kiệm chi phí so với phân bón thông thường, vừa bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế cao. Đế trùng thảo phối trộn cùng với các thành phần hữu cơ, vi sinh khác để phân giải chất hữu cơ thành dạng dịch lỏng dễ dàng thấm vào đất cũng như giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng nhanh.
“Sử dụng đế nấm trùng thảo làm nguyên liệu trong một số quy trình sản xuất đồ uống, chế phẩm sinh học vừa giúp tận dụng giá trị dược liệu với chi phí thấp, tạo ra được các sản phẩm mới lạ, vừa chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa “organic” của thị trường hiện nay.
Ngoài ra, còn hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước do sử dụng các chế phẩm hóa học trong quá trình nuôi trồng, qua đó giúp bảo vệ môi trường, cải tạo đất cho nông nghiệp”, ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi chia sẻ.
Hiện, ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi và cộng sự đã hoàn thiện quy trình nuôi cấy, sản xuất trùng thảo khép kín bằng các nguyên liệu sẵn có như gạo, mía... cho đến bảo quản, đóng gói sau thu hoạch.
Những nguyên liệu này được xử lý thủy phân và phối trộn với các dưỡng chất để làm môi trường nuôi cấy giống nấm. Sau đó, nấm được nuôi ở nhiệt độ thích hợp và qua các quá trình cấy, ủ tối cho tới hình thành quả thể nấm theo quy trình chặt chẽ.
Toàn bộ quá trình kéo dài trong khoảng 70 ngày, cho sản phẩm có chất lượng cao với giá thành cạnh tranh. Quy trình nuôi cấy này có thể áp dụng được với sản xuất quy mô nhỏ. Sản phẩm sau thu hoạch được sấy khô bằng phương pháp sấy thăng hoa, đảm bảo nguyên trạng được hình thái, màu sắc, mùi vị và dưỡng chất.
ThS Ngọc Nhi chia sẻ, việc tận dụng đế nấm trùng thảo sẽ giúp gia tăng giá trị kinh tế rất lớn cho người trồng nấm, đồng thời tận dụng được nguồn phế phẩm bỏ đi này. Điểm mạnh của nghiên cứu là không cần quy mô nhà xưởng hay công nghệ phức tạp, có thể áp dụng ở tất cả các điểm nuôi nấm trùng thảo.