Ngoài ra, nấm mycorrhiza tạo ra các chất chuyển hóa bao gồm chất diệt khuẩn, kháng sinh và hóa chất đặc biệt có thể tấn công, tiêu diệt các sinh vật gây hại cho cây trồng. Nấm mycorrhiza còn cạnh tranh một lượng chất dinh dưỡng có hạn trong đất, hạn chế lại nguồn dinh dưỡng để hỗ trợ các sinh vật gây bệnh phát triển.
Quy trình sản xuất nấm nội cộng sinh AM được nhóm nghiên cứu chế tạo gồm có 4 giai đoạn với thời gian từ 100 – 150 ngày trong nhà lưới và bảo quản thời gian là 6 tháng. Để sản xuất nấm, nhóm tiến hành thu bào tử AMF từ đất và rễ cây trồng.
Bào tử sau ly tâm được quan sát dưới kính soi nổi để ghi nhận các đặc điểm hình thái về hình dạng, màu sắc, cấu trúc thành bào tử, cuống bào tử. Nguồn bào tử tổng hợp được tách thành 4 chi nấm, sau đó được kiểm tra số lượng và độ thuần để sử dụng cho nhân nguồn theo nhiều giai đoạn khác nhau.
Thành phẩm là nhóm xây dựng được quy trình nhân sinh khối AM trong thời gian 100 – 150 ngày, qua 4 giai đoạn với mỗi giai đoạn cần thời gian từ 20 - 50 ngày.
Theo TS Trương Phước Thiên Hoàng, kết quả nhóm đã đánh giá mật độ nấm cộng sinh của sản phẩm cũng đạt chất lượng bào tử hoạt tính là 106 bào tử/kg và điểm xâm nhiễm là 102 IP/g phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01-189:2019/BNNPTNT). Sản phẩm AM sử dụng trên đồng ruộng có hiệu lực phòng trừ nấm bệnh từ 56,4 - 58,1% và quản lý tuyến trùng là 58,3% - 66,6%.
Theo TS Hoàng, số lượng các nghiên cứu về nấm rễ nội sinh tại Việt Nam có xu hướng tăng và đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Cộng đồng nấm rễ nội cộng sinh tương đối đa dạng và có tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất phân bón sinh học, chế phẩm cải tạo môi trường, kiểm soát sinh học.
Tuy nhiên, các phương pháp phân lập và định danh hiện nay dựa trên cơ sở mô tả hình thái bào tử còn nhiều điểm hạn chế và một số loài chưa được xác định. Do đó, với sự tiến bộ của kỹ thuật phân tử là một hướng tiếp cận mới giúp đánh giá hệ sinh thái nấm rễ trong tương lai.
Ứng dụng nấm rễ nội cộng sinh là nguồn vi sinh vật có lợi trong sản xuất phân sinh học hoặc kết hợp nhằm làm giảm lượng phân bón hóa học đầu vào để đáp ứng mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng thân thiện với môi trường, an toàn và hiệu quả.