Với kinh nghiệm thực tế làm giáo viên và cán bộ quản lý ở một số nhà trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: Đổi mới trường học giống như chúng ta đang ở trên một chiếc máy bay, mà máy bay đó cần phải sửa chữa, có nghĩa là vô cùng khó khăn nguy hiểm, song không có cách nào khác.
Trước đây, dù trong điều kiện khó khăn nhưng các thế hệ thầy cô đi trước vẫn mang đến cho học trò của mình những bài học tốt nhất. Bởi thế không có lý do gì ngăn cản đội ngũ giáo viên hiện nay mang đến cho học sinh những bài học hấp dẫn nhất trong điều kiện đầy đủ và thuận lợi như hiện tại. Vậy nên, khi các thầy cô ngại ngần đổi mới tức là đang góp phần làm suy yếu năng lực đi đến tương lai của học sinh.
Đặc biệt khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang là thước đo sự cố gắng của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo. Người thầy cần sáng tạo để tạo sáng cho trò. Đổi mới, sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng những chắc chắn là khởi đầu để cho kết quả dài lâu trong giáo dục.
Cô Nhiếp chia sẻ: "Từ vị trí của người làm công tác quản lý giáo dục, tôi thương thầy cô, thương mình phải khổ, phải khó và chịu nhiều áp lực. Nhưng tôi còn thương hơn thế nếu học trò đến trường là vào ốc đảo của lạc hậu. Biết rằng, đổi mới luôn có đoạn khó, tên là mới đổi. Đường quen, lối cũ thường dễ đi, nhưng người làm thầy không đi trước dẫn lối thì trò dễ lạc đường".
Học sinh Trường THPT Yên Hòa trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa |
Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với các Sở GD&ĐT về triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 được tổ chức tại Hà Nội tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, đến thời điểm này, kế hoạch năm học diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi và đang đi đúng lộ trình đã đặt ra.
Toàn ngành đã và đang chủ động, bài bản, khoa học, nghiêm túc thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; một số vấn đề liên quan đến chuyên môn, tổ chức dạy và học tại các trường, thu, chi tài chính, văn hóa học đường...
Từ đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT cần kiên định triển khai chương trình GDPT 2018 một cách tốt nhất. Điều này đồng nghĩa với việc chủ động, hiểu thật sâu, thật kỹ bản chất về chương trình GDPT mới. Phải tìm ra sự khác biệt giữa chương trình hiện hành và Chương trình GDPT 2018 thì mới tìm ra được cách triển khai tốt nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các thầy cô giáo, cán bộ quản lý đọc thật kỹ tài liệu để có những chỉ đạo triển khai chương trình thật sự hiệu quả, đặc biệt là đối với các môn học mới. Cần tập hợp các giáo viên lại để trao đổi những vướng mắc, bất cập để cùng nhau tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.