Công văn được nhiều địa phương, giáo viên ví như “cẩm nang” trong thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp. Qua đó, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.
Lẽ tất nhiên, dù là luật hay nghị định, thông tư hoặc các văn bản quy phạm pháp luật cũng không thể bao quát đủ đầy tới hơn 1,1 triệu giáo viên các cấp. Bởi có những tình huống chỉ khi bắt tay vào triển khai mới nảy sinh vướng mắc.
Cũng cần nhìn nhận rằng, khi ban hành văn bản, cơ quan quản lý Nhà nước cũng bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật khác nên nhiều điều Bộ GD&ĐT mong muốn nhưng chưa thực hiện được, chẳng hạn lương, phụ cấp cho nhà giáo. Đặc biệt, trong quá trình ban hành văn bản, có tình huống xảy ra trong thực tiễn mà cơ quan xây dựng văn bản chưa thể lường hết.
Vì thế, cần phát huy tính chủ động, linh hoạt của địa phương – nơi trực tiếp thực thi các chính sách cho nhà giáo. Tất nhiên, trong quá trình triển khai, nếu gặp khó khăn, vướng mắc và các tình huống phát sinh, địa phương có thể trao đổi, chia sẻ với Bộ GD&ĐT để cùng nhau tháo gỡ khó khăn sao cho thấu tình đạt lý.
Trên phương diện xây dựng chính sách, đây cũng là kênh thông tin quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh, nhằm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi tối đa, chính đáng cho đội ngũ, giúp các thầy cô yên tâm công tác.