Ông Vân cho rằng đầu tiên cần xem xét kỹ các dự án BOT có thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký hay không, có đúng chủ trương, quy định của pháp luật và Bộ GTVT đã thực hiện đúng các cam kết với Chính phủ, Quốc hội không. Tiếp đó, xem xét việc trước khi cấp tín dụng, các ngân hàng cũng đã thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án, do vậy các ngân hàng cũng cần có trách nhiệm chung tay xử lý các vướng mắc, bất cập cho các dự án BOT này.
Khó khăn ở các dự án đầu tư trước năm 2015
Theo số liệu tổng hợp của Bộ GTVT, trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực, cả nước đã huy động 318.857 tỉ đồng để đầu tư 140 dự án theo loại hợp đồng BOT, trong đó Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền 66 dự án/207.991 tỉ đồng, địa phương là cơ quan có thẩm quyền 74 dự án/110.866 tỉ đồng.
Trong tổng số 140 dự án BOT triển khai trước thời điểm Luật PPP ban hành, có 50 dự án triển khai giai đoạn trước năm 2010, 63 dự án triển khai giai đoạn 2011-2015 và 27 dự án triển khai giai đoạn sau năm 2016. Về cơ bản, khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015. Sau khi Luật PPP có hiệu lực, Bộ GTVT và các địa phương đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư 15 dự án đường bộ cao tốc theo hình thức BOT, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 388.036 tỉ đồng.
Đã xác định cụ thể trách nhiệm liên quan
Nói về trách nhiệm của những tồn tại, bất cập, Bộ GTVT cho rằng những kết quả thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng và kết quả giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã xem xét, xác định cụ thể về trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan.
Theo đó, một số cơ quan xây dựng pháp luật có trách nhiệm trong việc chưa kịp thời tổng kết, sửa đổi, hướng dẫn kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức BOT, đặc biệt là chính sách phí, cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ chế tham vấn đối tượng tác động... Các đơn vị tư vấn và ban quản lý dự án chịu trách nhiệm chính về việc chưa đánh giá hết các bất cập về vị trí đặt trạm thu phí, về tính chính xác của kết quả dự báo nhu cầu vận tải. Nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có trách nhiệm khi chưa nghiên cứu, phân tích, đánh giá đầy đủ rủi ro của dự án BOT.
"Bộ GTVT và các địa phương có trách nhiệm đối với các tồn tại khi chuẩn bị dự án chưa đánh giá toàn diện các bất cập về vị trí đặt trạm thu phí; chưa lường hết được những tác động đối với người dân, người sử dụng dịch vụ; chưa kịp thời tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án BOT" - Bộ GTVT nêu.