Sau khi xoa dịu nỗi sợ hãi của Chamanun, kẻ lừa đảo chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch của hắn.
Vụ án lừa đảo tinh vi
Kẻ lừa đảo nói với cô rằng anh ta cần trả các chi phí khác để chuyển khối tài sản thừa kế của mình sang Thái Lan. Tuy nhiên, Chamanun đã hết tiền vì khoản đặt cọc mua nhà khá lớn. Vì vậy Andrew thuyết phục cô "vay tạm" tiền của công ty.
Ban đầu Chamanun không đồng ý nhưng "bác sĩ Andrew" nói rằng rất yêu cô, sau khi hoàn thành việc chuyển khoản thừa kế sẽ đưa tiền để cô trả lại công ty. Hắn nói cô là giám đốc tài chính nên sẽ không ai biết nếu cô lấy tiền trong khoảng thời gian ngắn.
Trong ba tháng tiếp theo, Chamanun sử dụng hóa đơn giả và các thủ thuật để thực hiện 251 lần chuyển khoản tới 112 tài khoản ngân hàng ở 17 quốc gia. Bất cứ khi nào cô nghi ngờ, kẻ lừa đảo lại tìm cách xóa bỏ bằng những lời lẽ ngọt ngào và thuyết phục.
Kẻ lừa đảo cũng bắt đầu lôi kéo những người khác tham gia. Một “đồng nghiệp” của Andrew nhắn tin cho Chamanun nói bạn trai bị đau tim ở Afghanistan và cần tiền để điều trị. Sau đó, một "đồng nghiệp” khác gửi cho cô đường link của một trang web ngân hàng mà cô có thể truy cập để xem tất cả số tiền từng gửi. Sau này cảnh sát phát hiện đó là web giả, với tên miền chỉ khác một chữ duy nhất so với địa chỉ thật của ngân hàng.
Chamanun cũng sang Malaysia 2 lần để gặp "luật sư", người xử lý việc chuyển tài sản thừa kế của Andrew tới Thái Lan. Trong lần đầu tiên, "luật sư" dẫn cô tới văn phòng với rất nhiều tiền trên bàn nói đó là tiền thừa kế của Andrew. Thậm chí gã còn đưa cho Chamanun một tờ 100 USD để xem. Nhưng cô không thể ngờ ngoài tờ đó ra, còn lại đều là tiền giả.
Quay lại Thái Lan, Chamanun tiếp tục chuyển tiền mà không biết cấp trên đã nghi ngờ. Khoảng 4 tháng, số tiền mà cô "vay tạm" vượt quá 250 triệu USD.
Ban đầu cảnh sát nghĩ Chamanun là một trong những kẻ lừa đảo, nhưng rồi biết cô vừa là người phạm tội, vừa là nạn nhân. Những kẻ lừa đảo này có kỹ năng trong việc khai thác điểm yếu của người khác. Chúng có học vấn cao, nghiên cứu rất kỹ "con mồi", am hiểu công nghệ, có thể tạo ra những mẫu tin nhắn tình cảm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã biết danh tính nhóm lừa đảo. Những tên cầm đầu ở Nigeria và đồng bọn ở Anh, Malaysia, Thái Lan, Mỹ, Australia...
Ban đầu, Chamanun không tin mối tình 6 tháng của cô chỉ là trò lừa đảo. Cô đã khóc rất nhiều. Cảnh sát bắt Chamanun vào tháng 2/2020. Cơ quan công tố cáo buộc cô lấy cắp tiền của công ty 251 lần và đề nghị mức án 4 năm tù cho mỗi lần.
Vì Chamanun hoàn toàn hợp tác với cảnh sát, thẩm phán phạt cô 2 năm cho mỗi lần lấy cắp tiền, tổng thời gian ở tù là 502 năm. Tuy nhiên vì Chamanun sẽ chấp hành cùng lúc nhiều án phạt, tổng thời gian tối đa trong tù của cô chỉ là 20 năm.
Cảnh sát sau đó cũng bắt giữa 22 nghi phạm trong đường dây lừa đảo và truy nã 8 người khác.