Trước nhu cầu thực tiễn, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường đề xuất một số cách đặt tên mới sau khi sáp nhập như: Chọn tên gọi nổi tiếng hơn, có tính đại diện cao hơn, hoặc đặt tên mới theo tên gọi cổ.
Theo ông Cường, trước đây nhiều địa phương ở Nghệ An đặt tên phân cấp theo nguyên tắc “phụ tử liên danh”, như huyện Diễn Châu thì các xã đều bắt đầu chữ Diễn: Diễn Hải, Diễn Thành…; huyện Quỳnh Lưu thì các xã đều bắt đầu chữ Quỳnh: Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu…
Trường hợp 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường cho rằng, nên giữ chữ “Quỳnh”. Sau đó, tên gọi nào nổi tiếng hơn, có tính đại diện sâu rộng hơn thì lựa chọn tên gọi đó. Ở đây, lựa chọn “Quỳnh Đôi” phù hợp hơn cả.
Với tên gọi cổ, tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) có 3 xã: Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc có vùng trung tâm văn hóa tinh thần là xã Nam Trung - với tên gọi cổ xưa là “Trung Cần” vốn lấy từ câu “Sĩ quý trung cần, nữ quý trinh thuận” (con trai đỉnh ở trung thành cần mẫn, con gái chất ở trinh tiết thuận hòa).
Tuy nhiên, đầu năm 2020, huyện Nam Đàn thực hiện sáp nhập 3 xã này nhưng lại không lấy lại tên gọi cổ, mà ghép 3 chữ phụ để trở thành xã Trung Phúc Cường. Tên gọi mới được một số người đánh giá rườm rà và không có ý nghĩa.
Rút kinh nghiệm từ trường hợp trên, ông Cường đề xuất, nếu sáp nhập từ 2 - 3 xã trở lên, nếu những xã này nằm trong 1 Tổng (đơn vị hành chính cũ) thì nên lấy tên Tổng cũ để đặt tên cho xã mới. Tương tự, nếu sáp nhập huyện thì lấy tên Phủ cũ (1 phủ gồm 3 - 4 huyện) để đặt tên.
Tượng Hồ Xuân Hương tại khu lưu niệm ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Phạm Tâm. |
Theo ông Cường, huyện Quỳnh Lưu từng có 4 Tổng, hiện vẫn còn sử dụng 2 tên gọi là Quỳnh Lâm và Hoàng Mai, còn Hoàn Hậu và Thanh Viên không được gắn cho đơn vị hành chính nên không còn mấy ai biết đến.
“Giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa và tính liên tục của đời sống kinh tế, xã hội. Nếu không, một lần nữa chúng ta lại rơi vào trường hợp văn hóa truyền thống bị đứt gãy”, ông Cường chia sẻ thêm.
Câu chuyện về tên làng, xã mới sau sáp nhập nhận được sự quan tâm của dư luận. Việc tìm ra một cái tên mới không chỉ mang ý nghĩa hành chính, mà còn “kiến tạo” nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất, một con người.