Khó sắp xếp công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, tỉnh
Tỉnh Bắc Kạn cho hay việc bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, tỉnh là rất khó thực hiện. Lý do là các cơ quan, đơn vị cơ bản đã sử dụng hết biên chế được giao, đồng thời đang phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định.
Cạnh đó, việc xử lý, bán đấu giá tài sản nhà, đất rất khó thực hiện để vừa đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Sau khi sắp xếp giai đoạn 2019 – 2023, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Kạn vẫn đang tiếp tục thực hiện xử lý tài sản, đất đai sau sắp xếp.
Tỉnh Bình Định cũng phản ánh số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư lớn, khó sắp xếp, bố trí các chức danh.
Việc giải quyết trụ sở công dôi dư gặp khó khăn do khó chuyển đổi công năng sử dụng, hoặc nếu chuyển đổi phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; nếu chuyển đổi sang đất ở, đất kinh doanh thì khó thu hút nhà đầu tư.
Đây cũng là những vấn đề tỉnh Đắk Lắk gặp phải. Ngoài ra, tỉnh này còn khó bố trí nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, đặc biệt là địa bàn các xã miền núi, vùng sâu.
Còn tỉnh Ninh Bình đề nghị xem xét, ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản nhà, đất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Tỉnh này cũng đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp ĐVHC đô thị hoặc cho phép các địa phương được thực hiện việc sắp xếp (mở rộng ĐVHC) trước, sau đó mới thực hiện việc lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo.
Hà Tĩnh nêu vướng mắc trong việc sắp xếp ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị do phải điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị. Việc này mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án sắp xếp.
Tỉnh này cũng lo ngại việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp dự kiến sẽ khó khăn. Nguyên nhân là những trụ sở này có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giá trị giảm do không còn nằm trong khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ; khó tìm được người tham gia đấu giá.
Mặt khác, trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài, gây tốn kém chi phí bảo quản tài sản. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi đưa ra đấu giá cũng sẽ khó khăn vì cần thời gian để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Trong khi đó, tỉnh Hải Dương cho biết sau sắp xếp, cơ sở vật chất, tài sản công ở ĐVHC mới vừa thừa, vừa thiếu. Nơi chọn trụ sở của ĐVHC mới không gian chật hẹp nên sẽ gặp khó khăn khi tổ chức sinh hoạt chung cũng như việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính ở ĐVHC cấp xã mới có đông dân cư.
Hải Dương còn lo ngại một số ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích theo quy định nhưng không thể sắp xếp với xã thứ ba do nhiều yếu tố như quy hoạch, lịch sử văn hóa, ảnh hưởng đến giai đoạn sắp xếp sau 2026-2030, hay cũng có nơi Nhân dân không đồng thuận.
Hà Nội kiến nghị sửa đổi tiêu chuẩn về dân số và diện tích ĐVHC các cấp Hà Nội kiến nghị báo cáo cấp có thẩm quyền cho Thủ đô có yếu tố đặc thù đối với ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn về dân số và diện tích của ĐVHC các cấp quy định tại Nghị quyết 1211 do tiêu chuẩn hiện nay không phù hợp với thực tế tại Hà Nội. |