Sau vụ bổ nhiệm, tuyển dụng 'nhầm' tiến sĩ giả: Cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ

Theo Nghiêm Huệ | 28/11/2023, 09:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm người sử dụng bằng tiến sĩ giả xảy ra tại một số trường đại học, cao đẳng ở TPHCM cho thấy quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức, cán bộ đã bỏ qua bước đầu tiên quan trọng nhất là thẩm định, xác minh hồ sơ.

Trường CĐ Công thương Việt Nam vừa xác định một trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để xin vào giảng dạy tại trường. Đó là ông N.T.H (SN 13/08/1981), ngành Khoa học máy tính được cấp năm 2021 (số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx). Ông này cũng có bằng thạc sĩ chuyên ngành Tin học, cấp năm 2010. Các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM.

Đầu tháng 9 năm nay, ông N.T.H được Trường CĐ Công thương Việt Nam nhận vào làm theo diện thử việc. Sau đó, ông H. được bổ nhiệm giữ chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin. Khi nộp hồ sơ tuyển dụng, ông H. nộp bằng có công chứng.

Sau vụ bổ nhiệm, tuyển dụng 'nhầm' tiến sĩ giả: Cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ - Ảnh 1.

Để có được tấm bằng tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải học tập, làm luận án trong khoảng thời gian từ 4 năm trở lên. (Ảnh minh họa)

Sau khi nhận được phản ánh nghi ngờ về bằng cấp của ông H. nên tháng 10, nhà trường đã gửi nguyên bản công chứng bằng tiến sĩ mang tên N.T.H sang Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM để xác minh. Kết quả, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, xác nhận văn bằng tiến sĩ của ông N.T.H nêu trên không có dữ liệu lưu trữ tại trường, là bằng tiến sĩ giả.

PGS. TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, việc tiến sĩ giả được bổ nhiệm khó xảy ra tại các trường ĐH công lập vì các đơn vị này thường có sự chuẩn bị về đội ngũ. Cán bộ của trường ĐH công lập, nhất là các trường lớn thường là người trong trường, có quá trình học tập từ thạc sĩ, tiến sĩ.

Trước khi bị phát hiện dùng bằng tiến sĩ giả để được bổ nhiệm ở Trường CĐ Công thương Việt Nam, ông N.T.H còn làm giảng viên thỉnh giảng ở một số trường ĐH khác tại TPHCM.

Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT nhận định quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng ông N.T. H của một số trường “có vấn đề” ở khâu đầu tiên là thẩm định hồ sơ tuyển dụng. Theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, đơn vị sử dụng viên chức có trách nhiệm hướng dẫn viên chức kê khai, kiểm tra, xác minh các thông tin do viên chức tự kê khai, đối chiếu với hồ sơ tuyển dụng và Phiếu lí lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hồ sơ này là hồ sơ gốc của viên chức.

“Theo lẽ thường, đơn vị tuyển dụng phải có văn bản gửi về đơn vị đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ để xác minh khi thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm. Đơn vị đào tạo có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đến đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm. Hiện nay, việc quản lí hồ sơ lí lịch, văn bằng chứng chỉ bằng phần mềm nên việc xác minh càng dễ dàng hơn”, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ khẳng định.

Lãnh đạo một trường CĐ tại Hà Nội cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng dở khóc dở cười khi bổ nhiệm ông N.T. H có lẽ xuất phát từ việc nhà trường chỉ dựa vào lí lịch do ứng viên khai và đặt niềm tin vào các đơn vị đã tuyển dụng ông N.T.H trước đó. Vị này kiến nghị Bộ GD&ĐT cần thực hiện hiệu quả hơn, đưa đầy đủ dữ liệu lên cổng thông tin tra cứu, xác thực văn bằng, chứng chỉ trong toàn quốc.

Công khai thông tin để ngăn chặn bằng giả

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lí Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng. Để triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lí văn bằng, chứng chỉ, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ.

Theo ông Chương, các cơ sở giáo dục ĐH cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát. Sắp tới, Cục Quản lí Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.

Ông Chương thông tin thêm, Cục Quản lí Chất lượng đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Hệ thống tra cứu văn bằng của Cục Quản lí Chất lượng hiện đang thử nghiệm và chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho người dân và các cơ quan, đơn vị. Bộ GD&ĐT không làm thay việc của các đơn vị cấp văn bằng chứng chỉ. Với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, các đơn vị không mất quá nhiều thời gian để xác minh, xác thực một văn bằng, chứng chỉ được cấp trong nước.

“Cơ quan công chứng nếu xác thực không đúng cũng phải chịu trách nhiệm về việc công chứng văn bằng chứng chỉ giả mạo”, ông Chương nói. Đồng thời cho hay, đối với các văn bằng chứng chỉ được cấp ở nước ngoài, nếu cơ quan, cá nhân có nhu cầu, Trung tâm Chứng nhận văn bằng của Cục Quản lí Chất lượng sẵn sàng hỗ trợ theo dịch vụ công khá tiện lợi.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lí văn bằng, chứng chỉ tại các cơ quan quản lí giáo dục địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau vụ bổ nhiệm, tuyển dụng 'nhầm' tiến sĩ giả: Cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ