Rồi mình nghĩ phải làm gì đó để giúp thầy cô, học sinh có môi trường dạy học tốt hơn… Một ngôi trường kiên cố được chúng tôi phác thảo để huy động nguồn lực đóng góp xây dựng. Lễ khai giảng như bao ngôi trường khác cũng được CLB lên kế hoạch triển khai khi nghe thầy Nhân, cô Tý bảo chưa bao giờ học sinh nóc Ông Bình nghe tiếng trống trường”.
Học sinh điểm trường Lăng Lương (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: NTCC |
Từ lễ khai giảng đầy nhân duyên này, thầy Nguyễn Văn Nhân được nhà hảo tâm tặng xe máy mới (từ kết nối của 2 phóng viên). Ngày nhận xe máy, thầy Nhân vui đến mức không nói nên lời, ai hỏi gì cũng chỉ cười.
Thầy Nguyễn Văn Nhân dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn từ năm 2019 với mức lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng. Vừa dạy học, vừa sắp xếp thời gian để học liên thông lên đại học tại Trường Đại học Quảng Nam. Hè 2023, thầy Nhân hoàn thành xong chương trình đại học.
4 năm dạy học, thầy Nhân đều đứng lớp tại các điểm trường thôn. “So với thầy cô giáo từ đồng bằng lên, tôi là người đồng bào, hiểu rõ tâm lý của học sinh, nói cùng tiếng nói với các em nên dạy học lớp 1 nhiều thuận lợi.
Đôi khi, giải thích bằng tiếng Việt mãi các em vẫn không hình dung được, tôi chuyển qua nói ngôn ngữ mẹ đẻ thì học trò nhớ ngay. Tất nhiên, hãn hữu lắm tôi mới “chuyển ngữ” và phải thường xuyên dùng tiếng Việt trong dạy học, giao tiếp”, thầy Nhân cho biết.
Trước Tết Nguyên đán 2023, CLB Kết nối Nam Trà My cũng trao gần 10 xe máy, máy tính qua sử dụng hỗ trợ cho một số thầy cô đang dạy học tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).
Thầy Nguyễn Văn Nhân cùng tham gia vận chuyển vật liệu để xây dựng điểm trường nóc Ông Bình. Ảnh: NTCC |
Năm học 2023 – 2024, CLB Bạn thương nhau khởi động dự án “Đi dạy trên núi” để hỗ trợ cho thầy cô giáo đang là giáo viên hợp đồng, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gieo chữ ở điểm trường xa xôi hẻo lánh, vùng núi cao hiểm trở.
Với mức 1 triệu đồng/tháng, đến thời điểm 16/10, có 17 thầy cô giáo nhận được hỗ trợ từ dự án “Đi dạy trên núi”. Anh Nguyễn Bình Nam cho biết, trong danh sách 22 thầy cô được trường học gửi về, có trường hợp dạy hợp đồng 8 năm và hầu như đứng lớp ở các điểm lẻ. Mức lương hợp đồng của thầy cô chỉ dao động từ 3,8 – 4,6 triệu đồng/tháng cho tất cả chi phí từ gạo, dầu mắm muối, tiền đóng học cho con, sửa xe, thuốc men khi đau ốm…
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy ấm lòng từ những ủng hộ, sẻ chia với thầy cô giáo hợp đồng đang dạy học ở những điểm trường vùng sâu xa, tách biệt hẳn bên ngoài từ dự án “Đi dạy trên núi”. Sự hỗ trợ này không làm các thầy cô giàu lên, nhưng đó là nguồn động viên tinh thần lớn từ cộng đồng, xã hội. Để các thầy cô thấy rằng, mình không hề đơn độc trong sự nghiệp trồng người”.
Lễ khánh thành và bàn giao phòng học tại điểm trường thôn 2, xã Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) được xây dựng từ nguồn tài trợ của Nhóm thiện nguyện “Nhớ về Tam Kỳ”. Ảnh: NTCC |
Những hy sinh thầm lặng, chăm chút tỉ mỉ, ân cần và đầy trách nhiệm của thầy cô giáo dạy học vùng sâu, xa luôn là những câu chuyện có tính kết nối cộng đồng mạnh mẽ. Họ cũng chính là người kết nối với các CLB đội nhóm, tổ chức cá nhân làm thiện nguyện, để ngành Giáo dục có thêm nguồn lực đóng góp từ xã hội cho việc cải thiện điều kiện dạy học ở vùng khó.
Như thầy giáo Nguyễn Văn Nhân, vừa tất bật chuẩn bị cho khai giảng năm học 2023 – 2024 vừa tích cực vận động bà con đóng góp ngày công, tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng.
Hai phòng học được CLB Bạn thương nhau đầu tư xây mới đang dần dần thành hình sẽ thay thế cho phòng học lắp ghép bằng gỗ ọp ẹp, xuống cấp. Cũng là thầy Nhân đứng ra điều phối công việc cho bà con trong nóc vừa làm luôn “phu” khuân vác. Thầy còn lo mua sắm dụng cụ lao động, đồ ăn uống cho bà con…
Trở về dạy học cho con em đồng bào của mình dù mức lương của giáo viên hợp đồng còn thấp, thầy Nhân và các thầy cô đã thắp lên hy vọng nơi vùng cao núi thẳm. Thầy cô chính là tấm gương truyền động lực để cộng đồng xã hội thêm hiểu và chung tay phát triển giáo dục.
“Lâu nay, hầu hết nguồn lực của tổ chức thiện nguyện tập trung lo cho học sinh, từ phương tiện học tập đến cải thiện dinh dưỡng, áo quần… và cả sinh kế cho bà con vùng đồng bào. Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo đang ngày đêm bám bản, lớp cũng khó khăn. Nhất là giáo viên người địa phương, điều kiện kinh tế gia đình xuất phát điểm thấp, đông anh em, con cái nhỏ… Trong khi đó, họ là những người mang con chữ đến cho học sinh với hy vọng giáo dục là con đường căn cơ nhất để thay đổi diện mạo một vùng đất”.
Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB Kết nối Nam Trà My