Dự thảo thông tư quy định Cục Đăng kiểm có trách nhiệm xây dựng phần mềm, trang bị đường truyền, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ tra cứu thông tin và xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định theo mẫu ban hành kèm theo thông tư (bản điện tử được ký số của Cục Đăng kiểm và có mã QR để xác thực); cung cấp tài khoản sử dụng trên chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm để phục vụ công tác tuần tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.
Từ phát sinh thực tế trong thời gian qua, dự thảo thông tư quy định đơn vị đăng kiểm phát hiện giấy chứng nhận, tem kiểm định bị làm giả hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa thì lập biên bản thu hồi và chuyển cơ quan công an xử lý; báo cáo Cục Đăng kiểm và nhập ngay thông tin vi phạm lên chương trình quản lý kiểm định.
Trước đó, ngày 22-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý cho phép Bộ Giao thông vận tải được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo công văn được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 16/2021/TT-BGTVT, thời gian lấy ý kiến góp ý từ ngày 25 đến 30-5-2023.
Theo Cục Đăng kiểm, ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hằng tháng chiếm khoảng 33 - 43% trên tổng số xe đến hạn kiểm định. Nhóm xe này chủ yếu sở hữu cá nhân, được quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa nên tỉ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất rất cao (khoảng 95%).
Nếu thực hiện áp dụng chu kỳ kiểm định mới cho khoảng 1,4 triệu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống không kinh doanh vận tải theo phương án gia hạn trực tuyến sẽ giải quyết được hết tình trạng ùn tắc kiểm định trong thời gian hơn 1 tháng.