SEA Games 32 và chuyện "độc, lạ" chưa từng có từ chủ nhà Campuchia

02/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(Tin thể thao, tin SEA Games) Chủ nhà Campuchia đã làm tất cả các nước khác phải ngỡ ngàng không chỉ bởi hành động chơi “sang” mà còn có những nội dung chưa từng xuất hiện trong lịch sử SEA Games.

Đổi tên môn Muay Thai thành Kun Khmer, gây tranh cãi

Ngay từ đầu năm 2023, chủ nhà SEA Games 32 Campuchia đã sớm làm “dậy sóng” thể thao Đông Nam Á khi tuyên bố bỏ cái tên Muay Thái và thay thế bằng Kun Khmer tại kỳ Đại hội năm nay. Theo đó, phía thể thao Campuchia khẳng định Kun Khmer là nguồn gốc hình thành nên môn Muay Thai sau này.

SEA Games 32 và chuyện

Vụ việc Campuchia đổi tên môn võ Muay Thai thành Kun Khmer làm "dậy sóng" Đông Nam Á

Điều này đã tạo nên một cuộc tranh cãi khi Thái Lan cũng khẳng định quốc gia mình mới là cội nguồn thật sự của môn võ nổi tiếng trên. Thậm chí Thái Lan tuyên bố sẽ không cử võ sĩ tham dự ở nội dung này tại SEA Games và ông Sakchai Tapsuwan - Chủ tịch Liên đoàn Muay Nghiệp dư Thế giới (IFMA) người Thái Lan đe dọa sẽ cấm tất cả các võ sĩ thi đấu Kun Khmer của các quốc gia Đông Nam Á tham dự hàng loạt giải đấu danh giá bậc nhất thế giới và châu lục do IFMA tổ chức.

Đáp trả, Campuchia cho biết sẵn sàng thành lập một Liên đoàn Kun Khmer quốc tế cũng như xây dựng một hệ thống giải đấu riêng cho bộ môn này. Sau những tranh cãi kéo dài hàng tháng liền, đến đầu tháng 4 năm nay, Thái Lan nhượng bộ khi tuyên bố sẽ vẫn cử VĐV tranh tài môn Kun Khmer tại SEA Games 32 nhằm hướng đến một kỳ Đại hội thể thao đoàn kết, cao thượng.

Tổ chức nội dung cầu lông chưa từng có trong lịch sử SEA Games, các nước mạnh không được tham gia

Cũng tại kỳ SEA Games đầu tiên nước mình đăng cai, ban tổ chức của Campuchia đã đề nghị loại bỏ hàng loạt môn Olympic như bắn cung, bắn súng, canoeing, rowing...cũng như 2 môn bóng đá là futsal nam và futsal nữ vì không có khả năng cạnh tranh huy chương.

SEA Games 32 và chuyện

Campuchia tổ chức nội dung cầu lông mới, cấm hết cá nước mạnh tham gia thi đấu

Chưa dừng lại đó, nước chủ nhà đưa vào 2 môn võ truyền thống vào chương trình thi đấu là Kun Bokator và Kun Khmer (võ Campuchia). Đặc biệt, Campuchia còn không do dự loại bỏ môn cờ vua mà thay vào đó là cờ Ouk Chaktrang (cờ ốc) có hàng trăm năm tuổi của nước mình.

Đặc biệt nhất, Campuchia khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á bất ngờ khi đề nghị bổ sung vào chương trình thi đấu của bộ môn cầu lông nội dung đồng đội hỗn hợp ngoài 7 nội dung vốn có ở các giải quốc tế. Việc này đã được chấp nhận.

Nội dung đồng đội hỗn hợp chưa được công nhận ở các giải đấu lớn như ASIAD, Olympic và mới là lần đầu xuất hiện ở một kỳ SEA Games. Nội dung này diễn ra theo thể thức đánh 5 thắng 3, gồm các trận đấu đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.

SEA Games 32 và chuyện

Điều này giúp tuyển cầu lông chủ nhà SEA Games 32 tăng cơ hội lần đầu giành huy chương ở môn Olympic này 

Bất ngờ hơn nữa, Campuchia ra quy định “oái ăm” khi chỉ cho 5 quốc gia gồm nước chủ nhà SEA Games 32, Lào, Brunei, Timor Leste và Myanmar thi đấu ở nội dung này, còn các đoàn mạnh về cầu lông như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Singapore thì không. Theo đánh giá, điều này sẽ giúp cho cầu lông Campuchia vốn không được đánh giá cao tăng cơ hội giành huy chương đầu tiên ở môn Olympic tại kỳ SEA Games trên sân nhà.

Quyết định miễn phí không tưởng từ chủ nhà SEA Games 32

Bên cạnh những quy định, luật lệ gây bất ngờ, Campuchia đã có những hành động tích cực đến mức không tưởng, chưa từng có trong lịch sử các kỳ SEA Games trước đây.

SEA Games 32 và chuyện

Chủ nhà Campuchia chi khoảng 7 triệu USD (khoảng 164 tỷ đồng) để miễn phí toàn bộ ăn, ở và đi lại cho HLV, VĐV của tất cả các đoàn thể thao dự SEA Games 32

Theo đó, chủ nhà SEA Games thay vì bán vé với mức giá từ 25-50 USD như dự kiến ban đầu đã tuyên bố miễn phí toàn bộ vé xem lễ khai mạc, bế mạc cũng như vé xem tất cả các môn thi đấu, bao gồm cả môn bóng đá nam tại kỳ Đại hội năm nay.

Các quan chức nước chủ nhà cho biết điều này nhằm mục đích cho tất cả người dân Campuchia và Đông Nam Á được thoải mái thưởng thức SEA Games 32, giải đấu mà nước chủ nhà đã bỏ hàng triệu USD và nhiều năm liền để chuẩn bị. Thậm chí, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã quyết định cho học sinh cả nước không phải đến trường trong thời gian SEA Games 32 diễn ra.

Song song đó, chủ nhà Campuchia tiếp tục gây sốc khi tuyên bố không thu tiền bản quyền truyền hình với tất cả các quốc gia về việc phát sóng SEA Games 32. Thậm chí đài truyền hình của các quốc gia trong khu vực đã bỏ kinh phí lớn ra mua bản quyền trước đó như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam được hoàn tiền lại.

SEA Games 32 và chuyện

Trong lần đầu đăng cai SEA Games, Campuchia gây sốc khi miễn phí luôn vé xem Đại hội hay bản quyền truyền hình...

Đặc biệt nhất, Campuchia đã gây "chấn động" khi tuyên bố sẽ miễn phí toàn bộ chi phí ăn, ở và đi lại ở Campuchia cho các HLV, VĐV của tất cả các đoàn thể thao Đông Nam Á tham dự SEA Games 32. Điều này đồng nghĩa với việc nước chủ nhà sẽ phải chi ra số tiền lên đến khoảng 7 triệu USD (khoảng 164 tỷ đồng) để lo việc đón tiếp HLV, VĐV của các đoàn.

Có thể nói mặc dù SEA Games 32 chưa chính thức khởi tranh, chủ nhà Campuchia đã khiến tất cả phải liên tục nhắc đến tên mình trong lần đầu họ đăng cai Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SEA Games 32 và chuyện "độc, lạ" chưa từng có từ chủ nhà Campuchia