Giáo dục

Siêu đô thị TPHCM trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước

07/07/2025 12:12

Sau khi chính thức hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với khoảng 2,6 triệu em.

Địa phương có "siêu" trường học

Theo số liệu các Sở GD&ĐT công bố đầu năm học 2024-2025, trước khi sáp nhập, TPHCM có hơn 1,7 triệu học sinh. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương có khoảng 520.700 học sinh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 300.000 học sinh. Như vậy, sau khi sáp nhập, TPHCM hiện nay có khoảng 2,6 triệu học sinh, nhiều nhất cả nước.

Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, trước khi sáp nhập, địa phương này có 2.341 trường học, trong đó có 1.308 trường mầm non, 529 trường tiểu học, 299 trường THCS, 205 trường THPT.

Tỉnh Bình Dương trước đó có 713 trường học các cấp với 375 trường công lập và 338 trường ngoài công lập. Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 463 trường học, trong đó có 195 trường mầm non, 139 trường tiểu học, 91 trường THCS và 38 trường THPT.

Như vậy, sau khi sáp nhập, TPHCM hiện có quy mô khoảng 3.500 trường học từ mầm non tới THPT.

Tương tự, theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, TPHCM (cũ) có 80.612 giáo viên. Trong đó có 26.889 giáo viên mầm non; 23.155 giáo viên tiểu học, 18.125 giáo viên THCS và 12.442 giáo viên THPT.

Tỉnh Bình Dương có khoảng 16.000 giáo viên, trong đó có 14.883 người và cán bộ quản lý là 1.048 người. Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đó có khoảng hơn 16.000 giáo viên các cấp. Như vậy, sau khi sáp nhập, TPHCM hiện nay có hơn 110.000 giáo viên.

Để điều hành một hệ thống giáo dục với quy mô lớn như vậy, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM mới gồm 1 giám đốc và 9 phó giám đốc.

Ông Nguyễn Văn Hiếu giữ chức Giám đốc Sở. Các phó giám đốc gồm: ông Dương Trí Dũng, ông Nguyễn Bảo Quốc, bà Lê Thụy Mỵ Châu, bà Huỳnh Lê Như Trang, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, ông Nguyễn Văn Phong, bà Trương Hải Thanh, bà Trần Thị Ngọc Châu và ông Nguyễn Kế Toại.

Sở GD&ĐT TPHCM đặt trụ sở tại số 66-68 Lê Thánh Tôn, phường Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh.

Cơ cấu bộ máy gồm các phòng chức năng: Văn phòng, Phòng Kiểm tra - Pháp chế (sát nhập Thanh tra và thêm chức năng pháp chế), Phòng Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Phòng Học sinh - Sinh viên (đổi tên từ Phòng Chính trị - Tư tưởng), Phòng Quản lý chất lượng (từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng), cùng các phòng chuyên môn khác như Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông, Giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học, Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.

truong-hoc-tphcm-sau-sat-nhap-1476.jpg
Tiết học của học sinh một trường Tiểu học tại TPHCM.

Nỗ lực tạo môi trường học tập thân thiện, an toàn

Tại buổi họp giao ban đầu tiên với cán bộ, công chức, người lao động cơ quan sau khi sáp nhập vào đầu tháng 7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đã khẳng định, việc xây dựng phòng học và đầu tư cơ sở vật chất là trách nhiệm liên tục, thường xuyên của ngành giáo dục TPHCM. Không có ngành học nào tách rời mục tiêu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, địa phương này không chỉ tập trung vào chuyên môn với việc dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, mà ngành giáo dục TPHCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động giúp học sinh rèn kỹ năng, thể lực, phát huy năng khiếu,... tạo môi trường học đường thân thiện, an toàn.

Ông Hiếu đặc biệt nhấn mạnh: "TPHCM khuyến khích mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất một môn thể thao, một loại nhạc cụ. Việc phổ cập bơi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện trên toàn thành phố. Giao Phòng học sinh - sinh viên tiếp tục thực hiện mô hình Trường học hạnh phúc. Riêng với những trường THCS, nếu có điều kiện thì tổ chức dạy nấu ăn cho học sinh để rèn kỹ năng tự phục vụ cho các em".

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cũng yêu cầu mỗi chuyên viên của sở cần xây dựng kế hoạch cá nhân theo lĩnh vực phụ trách để lãnh đạo phòng, ban duyệt trước. Đến cuối tháng 7, Ban Giám đốc Sở sẽ duyệt kế hoạch hoạt động của từng phòng, ban.

“Để nâng cao chất lượng giáo dục thì không chỉ là đầu tư vào cơ sở vật chất mà còn phải bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên. Nhất là những giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình GDPT 2018 như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử - địa lý... Việc dạy học phải dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình để không gây áp lực cho học sinh”, ông Hiếu cho biết.

Sở GD&ĐT TPHCM hiện quản lý 198 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 165 trường phổ thông, 2 trường THPT chuyên, 2 trường năng khiếu thể dục - thể thao, 1 trường phổ thông đặc biệt, 2 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, 3 trường mầm non trực thuộc, 6 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, cùng nhiều trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt, ngoại ngữ, tin học và trung tâm thông tin.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sieu-do-thi-tphcm-tro-thanh-trung-tam-giao-duc-hang-dau-ca-nuoc-post738675.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sieu-do-thi-tphcm-tro-thanh-trung-tam-giao-duc-hang-dau-ca-nuoc-post738675.html
Bài liên quan
Danh sách các trường học Yên Bái tiếp nhận học sinh từ Lào Cai khi hợp nhất
Các trường học từ cấp Mầm non đến cấp THPT tại Yên Bái sẽ tiếp nhận học sinh chuyển về từ Lào Cai khi hợp nhất 2 tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu đô thị TPHCM trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước