Singapore thiếu ký túc xá cho sinh viên

Tú Anh | 14/07/2022, 07:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ước tính, hơn 2.600 sinh viên tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), cả trong nước lẫn quốc tế, bị từ chối đơn xin ở ký túc xá và nhiều người bị yêu cầu rời khỏi phòng ở hiện tại trước ngày 15/7. Do đó, sinh viên quốc tế đang cấp bách tìm phòng trọ gần trường.

Phát ngôn viên của NTU cho biết, nhà trường có 23 ký túc xá, có sức chứa hơn 13.600 sinh viên và dự kiến sẽ hoạt động hết công suất trong năm. Trong kỳ tuyển sinh năm 2021, hơn 6.000 sinh viên trúng tuyển – tương đương chỉ tiêu tuyển sinh của các năm trước. Tuy nhiên, trường đại học đang phải đối mặt với nhu cầu mạnh mẽ về ký túc xá vượt xa nguồn cung khoảng 20%.

Tình huống tương tự đã xảy ra vào năm 2021 khi NTU thông báo giảm công suất sử dụng ký túc xá do Covid-19 và các lý do khác. Tuy nhiên, do nhu cầu của sinh viên quá lớn, hơn nữa đa số sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, nhà trường phải rút lại thông báo này.

Tuy nhiên, năm nay dự kiến số lượng ký túc xá chỉ đủ dành cho sinh viên năm nhất, năm hai. Nhiều sinh viên năm ba, năm tư dự đoán sẽ bị buộc rời khỏi ký túc xá. Họ đã thành lập một nhóm Telergram để chia sẻ thông báo của trường và thông tin phòng trọ cho thuê bên ngoài. Tính đến tháng 7, nhóm có hơn 1.500 thành viên.

Nhóm đã tiến hành một cuộc khảo sát để xác định số lượng sinh viên bị ảnh hưởng. Ước tính trong hơn 400 sinh viên được hỏi, hơn 50% là người nước ngoài.

Đối với nhiều sinh viên, đơn đăng ký ở ký túc xá đang nằm trong danh sách chờ khiến các em luôn ở trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm. Sở dĩ nhiều người vẫn trông đợi vào quyết định của nhà trường do giá thuê phòng trọ bên ngoài đắt gấp 2 lần ở ký túc xá của trường. Với sinh viên, đặc biệt là sinh viên quốc tế, đây là một khoản tiền tương đối lớn.

Chị Arvind Kumar, sinh viên Ấn Độ theo học ngành Kỹ thuật đánh giá chi phí thuê phòng trọ bên ngoài đang tăng do thị trường bất động sản “nóng” lên. Hơn nữa, nhiều chủ nhà trọ chọn khách hàng dựa trên quốc tịch nên lựa chọn của sinh viên quốc tế không nhiều.

“Tôi đang chịu ảnh hưởng nặng nề cả về tài chính lẫn tinh thần. Nếu không tìm được phòng trọ, tôi sẽ phải sống lang bạt bên ngoài. Nhưng tôi có thể phải bỏ học nếu chi phí thuê nhà quá đắt”, chị Arvind bày tỏ.

Còn sinh viên người Việt Nam, Lê Hà Phương, 21 tuổi, bày tỏ hoang mang và thất vọng. “Sinh viên quốc tế không thể thuê trọ bên ngoài vì chi phí cao nên tôi hy vọng nhà trường xem xét tình hình của chúng tôi và cho phép chúng tôi ở lại trường”, nữ sinh nói.

Thừa nhận một số sinh viên phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn, người phát ngôn của NTU cho biết, nhà trường có chương trình hỗ trợ tài chính giúp bù đắp chi phí sinh hoạt cho sinh viên. Trường cũng cung cấp dịch vụ xe bus đưa đón miễn phí từ các địa điểm trung tâm đến khuôn viên trường như Ang Mo Kio, Bukit Gombak, Sengkang...

“Sức khỏe của sinh viên là ưu tiên hàng đầu của NTU. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ sinh viên của mình theo nhiều hình thức khác nhau, kể cả những sinh viên khó khăn hoặc có nhu cầu riêng”, người phát ngôn của NTU khẳng định.

Theo ST
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore thiếu ký túc xá cho sinh viên