Sinh viên Minh Thuận chia sẻ, đối với những người muốn học piano, một robot chơi được nhạc cụ này có thể là một giải pháp hữu hiệu giúp mọi người tiếp cận và học hỏi một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc tận dụng robot như là một biện pháp thư giãn hoặc là thương mại cũng là một trong những yếu tố có thể góp phần nên tính phổ biến của robot.
Robot có thể thực hiện nhiều bài chơi nhạc đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu trình diễn. Robot có thể thực hiện nhiều thao tác đánh phím đàn khác nhau với độ chính xác và tốc độ cao nhờ vào cơ cấu sử dụng ray trượt. Robot dễ dàng lắp ghép và có tính linh hoạt cao; dễ dàng di chuyển và sử dụng tại nhiều môi trường khác nhau.
Tuy nhiên, robot cũng có điểm yếu là cần đến không gian hoạt động rộng lớn để có thể bố trí vị trí tay, ảnh hưởng bởi tiếng ồn trong quá trình chạy các ngón tay trên ray trượt...
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, trong Viện, có hàng chục sản phẩm AI do sinh viên năm thứ nhất làm ra.
Công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại như AI, robot, Blockchain, IoT… Trước đây, sinh viên phải học đến năm thứ ba, thứ tư mới tạo được máy tự động, nay thì sinh viên năm thứ nhất đã tạo được máy tự động dễ dàng. Điều này cho thấy sự phát triển như vũ bão của AI.
Sản phẩm robot chơi piano của nhóm sinh viên thể hiện rõ khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách đầy sáng tạo. Tuy nhiên, robot của các bạn sinh viên chế tạo mới ở quy mô tự động hóa tương đối nhỏ, cần thời gian nghiên cứu sâu hơn vào các hệ thống robot lớn, phức tạp. Về lâu dài, các sản phẩm robot do các bạn sinh viên tạo ra, hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế và có khả năng thương mại hóa.
Cũng với cách tiếp cận này, nhóm sinh viên hy vọng mọi người sẽ yêu thích âm nhạc hơn thông qua cách biểu diễn độc đáo và thú vị. Thời gian tới, nhóm sẽ cải tiến động cơ để robot có thể điều khiển tốt hơn, các ngón tay mềm mại hơn, tạo ra những tác phẩm âm nhạc hay, cuốn hút được người nghe.